Thời điểm cuối năm lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm có xu hướng “nóng” lên và diễn biến phức tạp.
Liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm
Tại tỉnh biên giới Quảng Ninh, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vừa phát hiện tại Kho hàng tại khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) có 2.304 hộp kẹo táo đỏ sữa lạc đà nhân hạt điều. Toàn bộ số hàng hóa trên là của ông Lý Hải Đông (trú phường Hải Hòa, TP Móng Cái). Trên bao bì của toàn bộ số hàng hóa trên không có thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, địa chỉ sản xuất cũng như đơn vị nhập khẩu, phân phối. Ông Đông khai nhận mua gom trôi nổi trên thị trường sau đó sử dụng tài khoản TikTok Shop để bán kiếm lời.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.587 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 34,63 tỷ đồng. Xử lý vi phạm hành chính 3.522 trường hợp; phạt tiền trên 385 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã truy tố, xét xử 49 vụ với 164 bị cáo.
Tại tỉnh Hà Giang, ngày 17/1/2025, lực lượng QLTT tỉnh này tiến hành kiểm tra xe ô tô đang dừng đỗ tại địa bàn huyện Quản Bạ do Bà T.T.N. điều khiển, phát hiện trên xe có vận chuyển 6 bao tải bên trong chứa 225kg xúc xích có ghi chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra bà N. không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Không chỉ ở các tỉnh biên giới, giai đoạn cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có chiều hướng “nóng” lên. Điển hình, ngày 3/1/2025, lực lượng QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ ngõ 21 đường Tựu Liệt, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) phát hiện hơn 2 tấn thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn chứng từ.
Tiếp đó, ngày 8/1, lực lượng QLTT phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện 13 tấn thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, gồm xúc xích, kẹo và các sản phẩm từ thịt động vật... tại cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm 2024 vẫn diễn biến phức tạp, trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng. Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh.
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 29 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ.
Tăng cường ngăn chặn buôn lậu
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm và Tết Nguyên đán... có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, khó phát hiện trên tất cả các tuyến, lĩnh vực nhất là tuyến biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ, vùng biển, cảng biển, cảng Hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.
Để tăng cường kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách. Đồng thời, chủ động phương án bố trí lực lượng, thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vào nội địa, trong đó tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hiệu quả tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện nghiêm việc chuyển vụ việc cho Cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu phạm tội qua công tác thanh tra, kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.