Nhằm ngăn chặn tình trạng “xe dù bến cóc” (dừng đón trả khách dọc đường), TPHCM đang lên phương án cấm các phương tiện xe khách giường nằm, xe trên 30 chỗ đi vào khu vực trung tâm. Biện pháp này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động đi lại của người dân nhưng là phương án cần thiết, với một lộ trình hợp lý.
Tràn lan bến cóc núp bóng
Thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy, thành phố hiện có hơn 100 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng đón trả khách bất thường. Những địa điểm này chủ yếu nằm trên quốc lộ 13, Điện Biên Phủ, quốc lộ 1A, khu vực quận 5 hay trục đường chính dẫn vào các Bến xe miền Đông cũ, Bến xe miền Tây…. Trong đó tình trạng các cây xăng ven đường biến thành bến cóc đang là vấn đề nan giải. Do hành khách vẫn chấp nhận lên xe ở các địa điểm này khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Thậm chí Thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã thống kê tên, vị trí những cây xăng này nhưng cũng khó kiểm soát, đặc biệt là khung thời gian chiều, đêm tối, sáng sớm. Theo đó, thay vì vào bến xe mua vé, hành khách mua vé trực tiếp của nhà xe rồi chờ ở những cây xăng ven đường. Xe khách ghé các trạm xăng để tiếp nhiên liệu là hành khách lên xe. Ở chiều ngược lại, hành khách cũng có thể xuống xe ở các trạm xăng này. Do thuận lợi, ít tốn chi phí và không phải qua bến xe, tình trạng này tồn tại khá lâu và dai dẳng nhiều năm ở TPHCM.
Việc các xe khách dừng ở trạm xăng hay người dân tới trạm xăng để lên/xuống xe không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, lộn xộn và tạo ra thói quen xấu, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, ùn tắc, kẹt xe.
Đặc biệt thời gian tới, khi hầu hết các tuyến xe ở Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) buộc phải di dời, đón trả khách ra Bến xe miền Đông (TP Thủ Đức) mới thì dự báo tình trạng xe dù, bến cóc dọc quãng đường 15km tới 2 bến này sẽ gia tăng. Nguyên nhân do người dân TPHCM vẫn còn giữ thói quen sử dụng bến xe cũ và bến mới quá xa.
Mạnh tay nhưng cần lộ trình
Sở GTVT TPHCM hiện đã lên phương án ngăn chặn, đề ra lộ trình cấm xe khách giường nằm, xe trên 30 chỗ di chuyển vào nội đô. Khu vực nội đô trong đề án này được tính là hành lang giới hạn là bởi tuyến quốc lộ 1 (TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Bình Chánh) - đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh, quận 7) - đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức) - đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức) - đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) - đường xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức).
Theo một chuyên gia giao thông, việc cấm các phương tiện xe khách sẽ gây khó khăn cho hoạt động vận tải của doanh nghiệp và tình hình di chuyển của người dân. Trong đó, tình trạng người dân ở nội đô sử dụng xe khách nhưng phải xuống xe ở ngoại thành, tiếp tục di chuyển bằng một phương tiện khác để về nhà là khá bất tiện. Với quy mô khu vực cấm rộng lớn nêu trên, quãng đường di chuyển thêm có thể tới vài chục cây số. Để hạn chế tác động này, đại diện Sở GTVT TPHCM cho rằng trong năm 2022, thành phố chưa cấm các phương tiện xe khách như trên mà đưa ra hình thức hạn chế hoạt động. Theo đó, một số tuyến đường nhất định xe khách sẽ không được phép dừng đậu, đổ xăng… để tránh ùn tắc, kẹt xe. Song song với đó, thành phố tăng cường các tuyến xe buýt, khuyến khích các hãng xe sử dụng xe trung chuyển cỡ nhỏ để di chuyển trong nội đô nhằm giảm tác động mà phương tiện xe khách cỡ lớn đã gây ra.
Trao đổi với báo chí, ông Tạ Chương Chín - Phó Giám đốc bến xe khách Miền Đông cho biết, việc cấm xe giường nằm ra, vào trung tâm TPHCM là ý tưởng đã có từ lâu và cần sớm thực hiện bởi nhiều xe núp bóng xe hợp đồng đón khách rải rác gây rối loạn giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động của các xe đậu trong bến. Ngoài ra, sắp tới hàng loạt tuyến xe khách sẽ được dời về bến xe mới ở TP Thủ Đức. Việc xử lý được nạn “xe dù, bến cóc” góp phần giúp bến mới hoạt động tốt hơn.
Có thể nói, cấm các hoạt động xe dù, bến cóc là điều cần thiết, nhưng thành phố cũng cần tạo mô hình vận tải thuận lợi giúp người dân sử dụng các phương tiện xe khách khi di chuyển. Ngoài mô hình xe trung chuyển, hệ thống xe buýt, nhà chờ kết nối với các bến xe và từ bến xe đi ra các địa điểm khác là hết sức quan trọng. Để người dân có thể thuận tiện sử dụng, thay vì phải tới các bến cóc ven đường để bắt xe.