Chiều 11/1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV bế mạc. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Như vậy, kỳ họp bất thường đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Đây là kỳ họp đặc biệt của Quốc hội được cử tri và đồng bào cả nước hết sức quan tâm vì Quốc hội đã bàn thảo, quyết định những vấn đề lớn của đất nước, tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm 2022 mà còn là tiền đề cho những năm tiếp theo.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra sau 2 năm đất nước phải tập trung sức lực phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là 2 năm khó khăn chưa có tiền lệ với đất nước khi mà dịch Covid-19 hoành hành, diễn biến phức tạp, kéo dài với 4 đợt dịch rất căng thẳng.
Nhất là đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4/2021, dịch Covid-19 với biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cực kỳ nghiêm trọng, dẫn đến số ca nhiễm mới tăng vọt theo từng ngày ở khắp các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, dịch bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Suốt nhiều tháng, nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa. Công tác truy vết, xét nghiệm, lập bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng bệnh viện, chi viện hàng chục ngàn y, bác sĩ, điều dưỡng... cho những vùng tâm dịch được tiến hành khẩn trương. Bộ đội, công an cũng được điều động trực tiếp chống dịch tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh đó, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, hoặc phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Nhiều nơi bệnh viện quá tải, số bệnh nhân cần điều trị tăng cao - trong đó có nhiều bệnh nhân chuyển nặng, luôn ở trong tình trạng tiên lượng tử vong cao. Và trong số đó nhiều người đã không qua khỏi...
Bằng rất nhiều biện pháp, dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Kể từ tháng 10/2021, với Nghị quyết 128, Chính phủ đã ra quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kể từ đó, giãn cách xã hội nới rộng, các mặt hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục với tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Chính từ sự chuyển hướng này, quý IV/2021, kinh tế đã có những dấu hiệu sáng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 2 tháng nay, Thủ đô Hà Nội phải gồng mình chống dịch với số ca mắc mới tăng mạnh. Cho đến ngày 10/1/2022, số ca mắc mới ghi nhận trong vòng 24 giờ đã vượt con số 2.800 ca.
Chính vì thế, mọi sự chú ý đều tập trung vào kỳ họp bất thường của Quốc hội (diễn ra từ ngày 4 đến 11/1/2022). Người dân cả nước hồi hộp trông đợi những quyết sách lớn về phòng, chống dịch đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nay, những quyết sách lớn đã được Quốc hội thông qua cho thấy quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước.
Đó là việc hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay; là chủ trương đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông; là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ...
Điều đó cho thấy, dù trong vô vàn khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng đất nước vẫn tiến về phía trước. Chúng ta đã chọn tinh thần chủ động chứ không phải là việc bị động chờ dịch đi qua. Điều đó đã lan tỏa sinh khí mới trong toàn xã hội với quyết tâm sắt đá vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển sản xuất.