Mặt trận

Quyết tâm xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện

Tuệ Phương(thực hiện) 01/12/2023 11:46

Khẳng định với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 1 - 3/12 tại Thủ đô Hà Nội, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng các đại biểu sẽ phát huy trí tuệ tham mưu, đề xuất cho Đại hội đưa ra những quyết sách quan trọng, có tính chiến lược, quyết tâm xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

anh-thay.jpg
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Nam Định trao quà cho cán bộ, công nhân lao động Công ty cổ phần Môi trường Nam Định. Ảnh: Văn Đạt.

PV: Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam được triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, gây tác động tiêu cực đến đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn đã làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, thưa ông?

phan-van-anh.jpg
Ông Phan Văn Anh.

Ông Phan Văn Anh: Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột vũ trang trên thế giới, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ) và hoạt động Công đoàn. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó không ngừng, các cấp công đoàn vẫn đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế.

Tổng Liên đoàn đã tập hợp hàng vạn ý kiến của NLĐ và hơn 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất về xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ gửi tới Đảng, Nhà nước. Tiếng nói của tổ chức Công đoàn ngày càng mạnh mẽ, có uy tín và hiệu quả trong các hội đồng, cơ chế dân cử. Nhất là vai trò ở Hội đồng Tiền lương quốc gia, 5 năm qua, mức lương tối thiểu của NLĐ đã tăng 25,34%. Ở các cơ sở, đã có 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới nâng tổng số lên 42.550 bản, tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ.

Các cấp công đoàn triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động có hiệu quả như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Phúc lợi đoàn viên”. Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền gần 28 nghìn tỷ đồng.

Phải chăng khi càng khó khăn thì đội ngũ cán bộ Công đoàn càng cố gắng và phát huy tối đa năng lực?

- Cũng có thể coi đó là những thử thách để cán bộ Công đoàn chứng tỏ bản lĩnh, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với đoàn viên, NLĐ. Nhiệm kỳ vừa rồi có dấu ấn đặc biệt trong bối cảnh cả nước chống dịch Covid-19. Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình mới, sáng tạo, cách làm hiệu quả ở cơ sở kịp thời chăm lo, ổn định đời sống của đoàn viên, NLĐ, được đoàn viên, NLĐ, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận. Chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành và tổ chức triển khai 5 gói hỗ trợ quy mô lớn, giúp hơn 10 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng trị giá gần 6 nghìn tỷ đồng. Hỗ trợ gần 82 nghìn đoàn viên, NLĐ bị giảm, giãn việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng với số tiền hơn 114 tỷ đồng. Gói hỗ trợ tiếp tục đến hết năm 2023 dự kiến tiếp tục hỗ trợ hơn 90 nghìn đoàn viên, NLĐ với số tiền ước khoảng 145 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng. Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” với hơn 2,4 triệu sáng kiến với tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 33.000 tỷ đồng.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu nào, thưa ông?

- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rút ra 5 bài học kinh nghiệm quan trọng, đây cũng là cơ sở để tổ chức Công đoàn bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong 5 năm tới.

Trước hết, các cấp công đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy; nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến NLĐ, huy động các nguồn lực chăm lo cho đoàn viên.

Tiếp đó là coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng với những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, mới và khó. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tập trung mục tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở. Cuối cùng, phải xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Trên cơ sở dự báo tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới, xin ông cho biết Công đoàn Việt Nam đặt ra mục tiêu nào cho nhiệm kỳ 2023 - 2028?

- Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1 - 3/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội sẽ đánh giá tổng kết phong trào công nhân và hoạt động công đoàn giai đoạn 2018-2023, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028.

Mục tiêu của nhiệm kỳ 2023 - 2028 được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thảo luận và quyết nghị tại Đại hội. Đó là: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo NLĐ gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, NLĐ; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tôi kỳ vọng các đại biểu dự đại hội sẽ phát huy trí tuệ để tham mưu, đề xuất cho Đại hội đưa ra những quyết sách quan trọng, có tính chiến lược, quyết tâm xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cho đến thời điểm này công tác chuẩn bị Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã được hoàn tất. Các nội dung chuẩn bị cho Đại hội từ nhân sự, tuyên truyền cho đến phục vụ Đại hội đã đảm bảo đầy đủ các yêu cầu. Công đoàn đã tạo ra được không khí vui tươi, phấn khởi để triển khai tất cả các nội dung của Đại hội để đảm bảo có một Đại hội Trí tuệ - Dân chủ - Đoàn kết và đưa ra được những quyết sách, đáp ứng được yêu cầu đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Đây là kỳ Đại hội có nhiều điểm mới. Trong đó có 3 vấn đề: Thứ nhất, Công đoàn đã tổ chức 10 diễn đàn chuyên sâu trước thềm Đại hội để tổ chức thảo luận; cùng đưa ra sáng kiến để giải quyết 10 vấn đề lớn mà tổ chức Công đoàn quan tâm. Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Đại hội cũng được phủ rộng khắp. Đó là một Đại hội ít giấy, chủ yếu là công nghệ hóa. Thứ ba, các nội dung thảo luận tại Đại hội cũng như các vấn đề về nhân sự được thực hiện trên tinh thần dân chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện