Ngày 6/8, đại diện công ty Bkav xác nhận nhiều mã nguồn đang được một thành viên rao bán trên diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu ngày 4/8 là những dữ liệu từ phần mềm Bkav.
Theo đại diện Bkav, đây là mã nguồn cũ của một số module thành phần của phần mềm Bkav và không gây ra ảnh hưởng với khách hàng.
Việc rò rỉ, theo giải thích của Bkav, là do một nhân viên cũ đã nghỉ việc thực hiện và đã diễn ra hơn một năm. "Cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra nên sẽ không đưa ra bất cứ bình luận nào", đại diện Bkav nói thêm.
Ngày 4/8, trên diễn đàn chuyên chia sẻ và bán thông tin bảo mật R***, người dùng có tên chunxong đã rao bán mã nguồn các sản phẩm của Bkav, trong đó có phần mềm bảo mật Bkav Pro. Tài khoản này yêu cầu người mua liên lạc qua email, nhưng không nói mức giá để bán các dữ liệu.
Theo chia sẻ trong bài viết của chunxong, người dùng này khẳng định mình đã hack vào máy chủ của Bkav, lấy được mã nguồn sản phẩm và nhiều tài liệu nội bộ. Để làm bằng chứng, chunxong đăng tải một đoạn mã nguồn ngắn, ảnh chụp các tập tin với tiêu đề Bkav.
Sau đó, người dùng này còn đăng tải một đoạn mã được cho là tính năng tự bảo vệ của Bkav Pro, cùng một số tài liệu như danh sách server, danh sách nhân sự.
Theo luật sư Phạm Minh Tuấn, Công ty Luật TNHH Kinh Bắc, chương trình máy tính là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
Hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ (trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25).
Như vậy, hành vi xâm nhập vào máy chủ để sao chép mã nguồn các sản phẩm Bkav và rao bán trên mạng như được đề cập trong bài viết là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Hành vi này có thể bị xử lý như sau:
Về hành chính, theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP), hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng, đồng thợi, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
“1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm còn có thể bị chủ sở hữu quyền tác giả yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế chủ sở hữu quyền tác giả phải chịu do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra.