Khi xã hội hiện đại của Thái Lan có thêm nguồn lực kinh tế, ngày càng có nhiều người muốn chăm lo một cách tỉ mỉ cho những vật nuôi cưng của họ, và một trong những xu hướng đang gia tăng ở nước này chính là việc bỏ ra số tiền không nhỏ để tổ chức đám tang cho thú cưng.
Dịch vụ tổ chức tang lễ cho thú nuôi đang nở rộ ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP).
Tang lễ cho thú cưng
Nhiều thầy cúng cầu nguyện bên cạnh một chiếc áo quan màu hồng bên trong đặt thi thể chú chó có tên Dollar nằm giữa nhiều đóa hoa. Đám tang kỳ lạ này có giá dịch vụ lên tới 600 USD và được tổ chức ngay tại một ngôi chùa lớn nằm giữa thủ đô Bangkok, nơi cung cấp dịch vụ tang lễ cho thú cưng.
Chủ của Dollar, cô Pimrachaya Worakijimanotham, đã cố cầm nước mắt khi nhìn lần cuối chú chó cưng 6 năm tuổi của mình giờ đang nằm giữa những vòng hoa nhài.
"Đây là lần cuối cùng tôi có thể ở với nó... bởi vậy tôi muốn Dollar nhận được những điều tốt đẹp nhất có thể" - Pimrachaya, người vận đồ tang màu đen và mang kính, nói với hãng tin AFP.
Tang lễ cho thú cưng, được thực hiện bởi những nghi lễ của đạo Phật y hệt như đối với người, hiện đang là một phong trào rộ lên mạnh mẽ trên khắp thủ đô Bangkok của Thái Lan, trong đó rất nhiều người tìm đến dịch vụ này để nhờ tổ chức buổi lễ tiễn đưa những chú chó, mèo hay thậm chí cả khỉ... của mình.
Trong một vương quốc của đạo Phật nơi mà tôn giáo và nhiều tín ngưỡng khác đã ăn sâu vào nền văn hóa, nhiều chủ sở hữu thú cưng tin rằng những lời cầu nguyện của các nhà sư sẽ làm tăng cơ hội được tái sinh thành những loài vật cấp cao hơn của vật nuôi của họ. Theo đó, họ tin rằng những con thú cưng của mình thậm chí có thể lên tới cõi niết bàn, nơi không còn tồn tại sự thống khổ.
"Trong cuộc đời này, Dollar không thể tới những ngôi chùa để tu tâm. Bởi vậy mà đây là điều duy nhất mà tôi có thể làm cho nó" - bà Pimrachaya, một nhân viên ngân hàng, nói.
Xu hướng tổ chức tang lễ cho thú cưng không chỉ phổ biến ở Thái Lan mà còn cả ở nhiều nước khác như Nhật Bản, nơi mà người dân đặc biệt trân trọng những con thú nuôi của mình. Nhưng ở thủ đô Bangkok, xu hướng này lại đặc biệt gia tăng mạnh mẽ khi mà ngày càng có nhiều gia đình xem thú nuôi như một thành viên trong gia đình.
Nhu cầu gia tăng
Hiện nay tại thủ đô Bangkok có ít nhất 3 ngôi chùa có dịch vụ tổ chức tang lễ cho thú cưng - một tiến trình gồm 3 giai đoạn là lễ cầu nguyện, lễ hỏa táng và rải tro cốt ra các con sông lân cận.
Theerawat Sae-Han, người sáng lập ra tổ chức Pet Funeral Thailand, cho hay công ty của ông mỗi tháng tổ chức tang lễ cho khoảng 200 con thú nuôi đủ loại, từ mèo cho đến chó, thằn lằn, rắn hay thậm chí là khỉ đầu chó...
"Những con vật nổi tiếng hay mang đến thành công cho chủ của chúng như gà chọi thường được mang tới chỗ chúng tôi" - ông Theerawat, một cựu chủ sở hữu cửa hàng bán vật nuôi, người đã ăn nên làm ra nhờ cung cấp dịch vụ tổ chức tang lễ cho thú cưng cách đây 4 năm, cho hay.
Nhu cầu dịch vụ của ông gia tăng cũng phản ánh lại việc các khu đất công ở thủ đô Thái Lan ngày càng thu hẹp dần.
"Trước kia, chúng tôi thường chôn thú cưng trong các công viên cho phép làm như vậy hoặc ở sân sau nhà mình, nhưng giờ hiếm thấy ai làm như vậy ở Bangkok" - Phrakru Samu Jumpol, một tăng lữ tại ngôi chùa Wat Krathum Suea Pla, cho hay.
Ông Jumpol cho hay ngôi chùa của ông đã ký hợp đồng đối tác với công ty của ông Theerawat và giờ thường xuyên trở thành nơi tổ chức các nghi lễ cầu nguyện và hỏa táng cho các con vật nuôi. Trong khi mang lại nguồn lợi khá lớn - giá khởi điểm cho mỗi tang lễ của thú cưng là 3.000 baht (91 USD), đôi khi cũng có thể lên tới 100.000 baht (3.000 USD) - ông Jumpol còn nói rằng các nghi lễ này cũng mang người dân tới gần hơn với tôn giáo.
"Một số người có thể không có cơ hội để đến lễ chùa. Nhưng khi thú nuôi của họ chết, họ sẽ đến đây" - ông Jumpol nói.
Đối với những người yêu quý thú cưng của mình, dịch vụ này đã cho họ một sự an ủi về mặt tâm linh trong thời điểm khó khăn. Vào cuối buổi tang lễ của chú chó Maprang, giống chó Husky, của mình hồi tháng 11 vừa qua, ông Tipaporn Ounsiri đã tìm thấy lý do để cảm thấy vui mừng hơn.
"Nếu như kiếp sau thực sự tồn tại, tôi mong rằng nó sẽ trở thành một con người chứ không phải là một vật nuôi nữa" - ông Ounsiri nói.