Rồi em sẽ bình minh

Hồ Thị Hải Âu 09/12/2015 15:49

“Đây là tôi, là nụ cười của tôi – năm 20 tuổi. Từ đó đến nay đã 10 năm. Đó là khoảng thời gian không quá dài, nhưng dường như tôi đã trải qua mấy kiếp người...”

Ngắm tấm hình cô sinh viên 20 tuổi trường ĐHBK Đà Nẵng, gương mặt thông minh, cá tính, cởi mở, dễ thương…Rồi đọc những dòng chữ ấy, lặng nhìn em trước mặt tôi lúc này, người thiếu phụ buồn bã tuổi 30, nghe em kể chuyện đời mình, bên thềm, tiếng mưa rơi tí tách, đều đều, càng khiến tâm trạng tôi chùng xuống.

Một cách tự nhiên, tôi đau quặn dạ, nỗi đau thể lý đích thực chân thành. Em gọi tôi bằng “cô” xưng “em”, và nếu tôi sinh con ở tuổi 20, như khi em vào mối tình đầu bão tố, thì con tôi cũng gần bằng tuổi em bây giờ. Đó là lý do vì sao câu chuyện của em làm tôi đau xót thế, kể như em là con gái của mình, tấm lòng người mẹ trong tôi như có mũi dao khía vào, khi thấy con vượt qua thác ghềnh tình ái mà dần đuối sức giữa dòng đời…

Không hẳn vì bi kịch mà em đang gánh đã là tận cùng đau khổ, mà bởi vì cơn cuồng phong đang tàn phá tâm hồn nhạy cảm của em làm tôi không thể cầm nước mắt. Nước mắt của người từng trải, muốn nâng đỡ tâm hồn em mà thấy mình bất lực.

Cô bé mộng mơ và cơn siêu bão đầu đời

Với tấm bằng ĐHBK Đà Nẵng loại Giỏi, em hăm hở vào Sài Gòn – thành phố trong mơ - để lập nghiệp. Trái với kỳ vọng của em, bao nhiêu lá đơn xin việc gửi đi đều không lời hồi đáp. Họ không cho em tham gia vòng phỏng vấn. Em bị loại từ vòng hồ sơ! Thậm chí, khi em xin một công việc phục vụ trong khách sạn, cũng bị từ chối. Có lẽ, cô cũng phần nào hiểu cảm giác của em lúc đó thế nào. Nhưng em vẫn bướng bỉnh không chịu về quê. Từ nhỏ, em đã nổi tiếng cá tính và cứng đầu!

Và rồi, trong một dịp tình cờ, em đã gặp anh. Ngay từ đầu em bị thu hút bởi vẻ ngoài cao ráo điển trai và tài ăn nói khéo léo của anh. Bọn em nhanh chóng nói chuyện tâm đầu ý hợp và em nhận lời yêu anh ấy không bao lâu sau đó. Anh là người yêu đầu đời của em. Anh có biệt tài gợi mở khiến em nhận ra tất cả những gì tốt đẹp nhất của bản thân mình. Em hồ hởi lao vào cơn say tình đầu choáng váng. Bên anh, em trở về là cô bé hoạt bát, vui vẻ, hài hước như ngày còn đi học. Em quên đi quãng đường tìm việc đầy chán nản của mình. Rồi may mắn cũng mỉm cười, khi em được nhận vào làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia của Đức. Mọi chuyện với em đẹp như một giấc mơ…

Em say sưa với tình yêu đầu, chểnh mảng công việc. Ban ngày, khi trong giờ làm việc, em chỉ mải miết nhớ về anh, mải miết nhắn tin hẹn hò với anh, thổn thức nhớ mùi hương da thịt, cảm xúc gắn bó thân thể nồng nàn. Buổi tối, em lại đi chơi cùng anh, đắm đuối trong những nụ hôn vô tận. Em không còn chút tâm trí và thời gian nào để rèn luyện kỹ năng công việc. Rốt cuộc, sau hai tháng thử việc, người ta đã không nhận em vào làm chính thức.

Khi biết tin này, ngay lập tức, anh bỏ rơi em không một lời giải thích…

Kể chuyện cho tôi nghe, em lại òa khóc nức nở, hệt như khi em bị người tình bỏ rơi.

Cô bé ngây thơ mới ra đời như em, sốc vì tình ái là chuyện bình thường. Nhưng em đơn côi giữa phố thị Sài Gòn. Em chỉ biết ôm mặt khóc và nhốt mình trong phòng trọ, ngày cũng như đêm. Rồi em bắt đầu không ngủ được, không ngủ được một tí nào suốt 2 tuần liền. Khi ba má vào Sài Gòn tìm dẫn em về quê, em chỉ là cái xác không hồn.

Vô tình hay hữu ý, lời nói của người xung quanh đã làm bệnh của em thêm nặng. Em nhốt mình trong phòng, không ăn uống, không tắm rửa, và dĩ nhiên là không ngủ được. Suốt nhiều ngày như vậy. Cuối cùng, em phát điên. Em nhìn đâu cũng thấy quỷ, nhìn ba má và người thân đều cho là quỷ đến bắt mình. Em gào thét, la lối, có khi tắm xong, không mặc đồ và cứ thế em bước ra.

Ba má em đau lòng lắm cô ạ, đành thuê xe lén lút đưa em vào viện tâm thần tận Đồng Nai, mong sao xa nhà như vậy để tránh người quen tọc mạch. Trên hành trình xa ngái gian truân đó, em gào thét, chống cự rất dữ dội, em tin rằng ma quỷ đang đưa mình xuống địa ngục. Tự tay ba phải lấy dây thừng trói tay chân em, nhét dẻ vào mồm em để em ngừng la hét. Em nhập viện và trở thành người điên có số má. Đến giờ ăn, bị bắt ăn. Ăn xong lại uống thuốc cho ngủ li bì. Khi nào gào thét thì bị trói tay trói chân, chích cho một liều an thần. Bệnh viện tâm thần đã biến em thành một con heo đúng nghĩa…em vẫn nhận thức được tất cả nỗi đọa đày khốn khổ của mình, cô ạ! Hơn một tháng trời thì ra viện, bác sĩ bảo “Cô ấy điên tình nhưng đã có vẻ tỉnh táo rồi!”

Cô ơi, em lạc mất chính mình rồi?

Em về mà lòng hoang mang vô cùng. Cuộc đời rồi sẽ trôi về đâu?

Em sợ đủ thứ. Đêm nào cũng nằm khóc ướt cả gối. Nghĩ về những điều đã qua, em lại nghĩ về những ngày sắp tới. Tất cả đều là ác mộng. Có nhiều đêm gào thét trong mơ, em quăng quật thân xác và tâm hồn bầm dập mọi thời khắc. Nhiều khi, em khao khát tìm đến cái chết…

Một thời gian sau, mọi chuyện có vẻ ổn. Em lại nghĩ đến chuyện kiếm việc. Em rất ham làm việc, có thể nói em là một con người đầy tham vọng. Nhưng em không kiếm nổi việc. Nhìn thần sắc em như vậy, không ai dám nhận. Lúc này, ba xin cho em làm công nhân bốc trứng trong một trại gà của người quen. Em chấp nhận không hề chần chừ. Thế là ngày ngày em làm công việc lao động tay chân đơn thuần trong một môi trường đầy bụi và phân gà.

Tinh thần của em cũng dần khá lên. Em đã vui vẻ trở lại. Thật kỳ lạ! Có lẽ đó là bản năng sống mạnh mẽ của con người. Trong hoàn cảnh đó mà em có thể vừa ca hát vừa làm việc. Em cũng giảm cân được khá nhiều, lấy lại hình dáng trước đây.

Nhưng những tháng ngày làm việc trong môi trường đầy bụi phân gà đã làm căn bệnh viêm xoang của em trở nặng. Bệnh càng lúc càng nặng. Em đành nghỉ việc.

Trong suốt thời gian đó, em vẫn phải uống thuốc chữa trầm cảm. Loại thuốc an thần, có tác dụng làm dịu thần kinh và dễ ngủ vào ban đêm, còn ban ngày thì lờ đờ như người chết trôi. Ban đầu em uống liều mạnh, rồi sau đó bác sĩ giảm từ từ. Đến khi bác sĩ giảm xuống liều thấp nhất thì em phát bệnh lại. Rồi ba má lại tìm bác sĩ khác. Và chu kỳ cứ như vậy suốt 2 năm. Liều nặng - liều nhẹ - phát bệnh - đổi bác sĩ… cứ vậy. Gia đình em tuyệt vọng.

Ba má em, từ ngày em điên tình, đều già đi nhanh chóng. Em biết tội của mình, trong lòng em có hàng nghìn mũi dao đâm vào. Nhưng em không khóc được. Trái lại, em còn gây sự với ba má. Mỗi lần bực mình, em lại la lối, em trách mắng “Sao ba má đem con nhốt vào trại điên?” Em cào cấu nỗi đau trong gan ruột mình và em cào cấu nỗi đau trong gan ruột ba má!

Cuối cùng, em cũng tìm được việc làm tại một công sở ở quê nhà. Nhưng công việc của một viên chức tẻ nhạt chưa bao giờ phù hợp với mơ ước và tính cách của em. Sếp ít bố trí công việc cho em, vì chị ấy thông cảm em bị bệnh. Nhưng điều đó càng làm em ức chế, vì em ham làm việc biết bao nhiêu. Lúc này, trong mắt mọi người, em chỉ là đứa chậm chạp, bệnh tật, buồn bã, lại còn béo phì, không ai muốn giao du với em nữa.

Trong nỗi đơn độc và buồn bã, cuộc đời dường như lại mở cho em một cánh cửa nào đó để em hy vọng thoát ra. Tất nhiên, em như kẻ đuối nước vớ được cọc khi ông trời mang anh ấy đến cho em, người chồng của em hiện tại. Anh đã yêu thương em, bất chấp em bệnh tật, buồn bã và xấu xí. Chính anh đã dẫn em đi tìm bác sĩ khi phát bệnh trở lại. Anh chăm sóc cho em mà không hề suy nghĩ nhiều về bệnh của em. Nhờ tình cảm ấy mà em dần dần hồi phục tinh thần trở lại. Em ăn kiêng và tập thể dục để trở lại hình dáng ngày xưa. Hạnh phúc đã mỉm cười với em. Chúng em làm đám cưới sau hơn một năm quen nhau.

Hạnh phúc không được bao lâu. Điều kiện kinh tế khó khăn và những khác biệt hoàn toàn về gia cảnh, tính cách, quan niệm sống, mục tiêu cuộc đời… đã đưa cuộc hôn nhân đi vào ngõ hẹp. Những điều này không phải em không lường trước, nhưng ở hoàn cảnh của mình, em không có sự lựa chọn nào khác. Chúng em cãi vã thường xuyên. Nhiều đêm em đi ngủ với đôi mắt sưng húp.

Những bất hạnh của mình, em không biết kể với ai. Ở quê, bạn bè tri kỷ của em chẳng có ai, họ đã đi lập nghịêp xa. Anh chị em thân thiết cũng đi cả. Còn ba má em, họ chỉ bất lực và lặng im khi nghe em nói. Em cũng không muốn làm họ đau khổ thêm.

Em âm thầm chịu đựng và hoảng hốt nhận thấy căn bệnh tái phát trở lại, em dở điên dở dại, nửa tỉnh nửa mê… nên không thể có được sự “sung sướng” như Trần Thiện Thanh đã viết “Người điên không biết khóc… người say không biết buồn” đâu cô ạ!

Đau khổ chất chồng đau khổ, bệnh chất chồng bệnh.

Tháng 3 năm 2015, trong một lần khám bệnh tổng quát ở Sài Gòn, bác sĩ kết luận em đã bị viêm tuyến giáp mãn tính, nguyên nhân khiến em bị phát phì trở lại, chưa đầy một năm mà tăng hơn 10kg, người mệt mỏi, rối loạn đủ thứ chức năng… Ác thay, căn bệnh này lại có nguyên nhân từ chứng trầm cảm kéo dài gây ra.

Rồi em sẽ bình minh...

“Đừng tuyệt vọng
Em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên
Rồi em sẽ bình minh“ (*)

Lời hát ngân lên
chan chứa tình

Giọt sương đọng
long lanh như lệ

trong vắt cười
lắng đau trần thế!

cúi xin Người
hạnh ngộ
với bình minh,

cúi xin Người
tâm tịnh
lắng u minh,

thương mến thế,
sao mà tuyệt vọng?
trải tâm từ
đồng vọng với muôn sinh,
trải thương yêu
ru mọi nẻo an bình,

nhè nhẹ bước
bình minh
hay bóng xế,

khép mắt chiều
ru giấc,

đợi hừng đông...

*Lời bài hát của Trịnh Công Sơn

Rồi em sẽ bình minh

Tâm bệnh cam go

Tháng 8 mới đây, má dẫn em lặn lội ra Huế đến một bác sĩ giỏi. Sau khi nhìn thần sắc của em và khám bệnh, xét nghiệm, siêu âm đủ thứ, bác sĩ đã kết luận em không bị viêm tuyến giáp mà bị một bệnh khác nặng hơn.

Đến lúc này, em thú nhận mình bị trầm cảm và dùng tân dược chữa trầm cảm đã nhiều năm. Bác sĩ bảo rằng, thực ra em chẳng có bệnh gì cả vì các chỉ số của em đều bình thường, nhưng em lại mang rất nhiều bệnh, tất cả đều từ trầm cảm mà ra. Bệnh của em đã nặng lắm rồi, ở cấp độ 4 rồi và bác sĩ bảo rằng: “Nếu chị không chữa trị kịp thời thì chị sẽ mất con. Bệnh này không có thuốc chữa vì nó là tâm bệnh. Uống thuốc vô chỉ làm rối loạn thêm. Cách duy nhất là em phải tự điều trị, tự vượt qua. Em phải vui vẻ, yêu đời, lạc quan, hạnh phúc thì bệnh mới khỏi”.

Nghe bác sĩ nói mà em ôm mặt khóc không kìm nén được. Bác sĩ nói vậy thì khác nào tuyên án em bệnh nan y giai đoạn cuối? Làm sao em có thể sống vui vẻ hạnh phúc như lời ông nói, trong hoàn cảnh này?

Làm sao em có thể tìm lại em ngày xưa cô ơi?

Em khát khao đoạn tuyệt quá khứ, chấm dứt chuỗi ngày đau khổ này. Em phải đi đâu đó, cô ơi, để làm lại cuộc đời. Em có gia đình người cô ruột bên Mỹ, nên sẽ nhờ cô bảo lãnh qua, dù bằng hình thức nào, để cắt lìa những đau khổ này. Cô ấy rất thương và muốn giúp đỡ em. Trong điều kiện sống mới, rồi em sẽ dần dần khỏi bệnh. Em sẽ có cuộc đời khác. Chắc là em sẽ ra đi, cô ạ!

Nói thế, rồi em lại bùng lên nức nở: “Nhưng làm sao em có thể dứt bỏ người chồng đã dẫn em đi khám bệnh từ Bắc chí Nam, mà không một lời than vãn hay trách móc. Người đã đến bên tôi lúc em đau khổ, tuyệt vọng nhất. Người đã yêu thương em bất chấp tất cả nhược điểm của em. Dù giữa chúng em có quá nhiều khác biệt, dù anh đã làm em buồn khổ không ít lần, nhưng em vẫn yêu anh….

Nhưng nếu em cứ duy trì cuộc sống như hiện nay, thì cái ngày em phải vào lại bệnh viện tâm thần sẽ không còn xa nữa. Em phải làm sao? Làm sao?”

Kết

Từ Nha Trang trong chuyến đi công cán, tôi tranh thủ thời gian ngược ra Tam Kỳ chỉ đủ cùng em một buổi cà phê, chỉ để ngồi lặng nghe em chia sẻ chuyện đời em, cảm thông và không một lời phán xét. Chỉ để chứng kiến những giọt nước mắt em nóng hổi thấm qua vai áo tôi, rát bỏng. Tôi biết, em chỉ cần ở tôi có thế thôi, để em được trút bỏ, được xả bỏ mọi nỗi tổn thương dồn nén đã lâu, để cơn cuồng phong trong tâm hồn em lắng dịu đôi phần, để em khẽ chợp mắt ngủ yên trên vai tôi chốc lát…

Cũng vừa khi em chợp mắt, tôi viết xong bài thơ này cho em, kèm theo lời nhắn nhủ: “Cô rất muốn nói với em rằng, khi ánh Bình Minh tự bừng lên bởi trái tim em chính là mặt trời chiếu rọi tâm hồn em, lan tỏa thứ ánh sáng trong vắt và ấm áp. Đó là bình minh đẹp nhất, bình minh của tâm hồn em ạ!”.

Khi chia tay, em ôm tôi và nói “Cô ân cần với em như mẹ vậy, lâu lắm rồi, em mới cảm giác bình an và hạnh phúc thế này”. Tôi đã quay mặt đi giấu những giọt nước mắt xót thương, và tôi nghĩ, tôi sẽ cùng em, chìa tay ra mỗi khi em cần để em vượt qua những nỗi đau trần thế không thể phán xét và nghĩ bàn …

Bóng em xa dần dưới ánh đèn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rồi em sẽ bình minh