Không chỉ rộn ràng trên sóng truyền hình, không khí đón Xuân Đinh Dậu còn “hâm nóng” cả sân khấu kịch và cải lương. Nếu sân khấu ngoài Bắc có phần im ắng thì sân khấu phía Nam thật sự sôi động. Ghi nhận tại các sân khấu ở TP HCM cho thấy có gần 30 tác phẩm kịch sẽ mang đến cho công chúng những “bữa tiệc kịch” thú vị
Cảnh trong vở “Đời bỗng dưng yêu”.
1. Những ngày cuối năm, không khí tập luyện, chuẩn bị cho các vở mới tại các sân khấu ở TP HCM thực sự sôi động. Từ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho tới sân khấu kịch IDECAF, sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ… đều đã công bố những kịch mục mới phục vụ khán giả trong những ngày Tết Đinh Dậu.
Theo thống kê sơ bộ, Tết này có gần 30 tác phẩm kịch nói đã được các sân khâu chăm chút, đầu tư, dàn dựng công phu. Nếu các nhà hát “chính thống” nhập cuộc có phần e dè, thì các sân khấu nhỏ lại khá hào hứng. Thậm chí, ngay tại một sân khấu, khán giả cũng có thể chọn cho mình những “thực đơn” khác nhau để “đổi món”.
Cụ thể, tại sân khấu kịch IDECAF, khán giả có thể chọn lựa thưởng thức các vở: “Sắc màu” (tác giả: Đăng Nhân, đạo diễn: Hùng Lâm), “Đời bỗng dưng yêu” (tác giả: Quốc Bảo, đạo diễn: Vũ Minh), “Chúng ta là gia đình” (tác giả: Quốc Bảo, đạo diễn: Hùng Lâm), “Yêu đi thôi” (tác giả: Hương Giang, đạo diễn: Tuấn Khôi).
Còn trên sân khấu kịch Phú Nhuận vở “Ám ảnh kinh hoàng” (đạo diễn: Xuân Trang) hứa hẹn có những dấu ấn mới. Sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ dàn dựng một vở mới cho mùa Tết là “Mơ trăng bóng nước” (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) - một tác phẩm được cảm tác từ truyện ngắn “Tình lơ” của Nguyễn Ngọc Tư.
Tại sân khấu Thế Giới Trẻ cũng nhân dịp này đưa tới công chúng 2 vở kịch: “Chúng ta thuộc về nhau” (tác giả: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Quang Huy) và “Hồn anh xác em” (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng).
Chưa hết, những ai “mê” đạo diễn Việt Linh đừng quên tới sân khấu kịch thử nghiệm Hồng Hạc của bà để xem 2 vở: “Ngộ nhận” (đạo diễn: Tây Phong) và “I am đàn bà” (đạo diễn: Hạnh Thúy). Trong khi đó, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi có phần “chịu chi, chịu chơi” khi đầu tư làm một số vở kịch hiện đại và kịch cổ trang. Đặc biệt, riêng NSƯT Trịnh Kim Chi đạo diễn nhiều vở như “Phim trường đại chiến”, “Hoa hậu ao làng”, “Choáng tình”…
Bên cạnh đó, công chúng yêu kịch cũng vẫn có thể lựa chọn thêm với sân khấu Sen Việt để xem vở hài kịch “Lộc phát tài” (tác giả: Lê Bình, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) và “Thần kê đại hiệp” (tác giả, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt).
Đặc biệt, Tết này, đạo diễn – nghệ sĩ Quốc Thảo kết hợp với nghệ sĩ Minh Nhí mở một điểm diễn kịch mới với sức chứa 120 khán giả, tại 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Trước mắt, sân khấu này sẽ phục vụ Tết những tiểu phẩm hài kịch mang tính giải trí cao, bên cạnh vở kịch dài “Hồn mắt” (đạo diễn: Quốc Thảo).
NSƯT Thành Lộc (bên phải) trong vở diễn của sân khấu IDECAF.
2. Điểm qua các kịch mục như vậy, đủ thấy sân khấu kịch phía Nam khá rôm rả cho mùa Tết năm nay. Giới chuyên môn nhìn nhận, hầu hết các vở diễn phục vụ khán giả trong dịp Tết này đều được các biên kịch, đạo diễn đầu tư công phu.
Tuy nhiên, để có thể sáng đèn phục vụ khán giả du xuân, các ông bầu, bà bầu nhiều khi cũng “toát mồ hôi” mà lo. Thứ nhất đó là lo… diễn viên. Do Tết năm nay đến sớm nên các diễn viên ai nấy đều tất bật chạy sô. Hết các sô phim Tết, phim hài thì đến các chương trình truyền hình Tết. Một diễn viên chia sẻ, bây giờ quá nhiều kênh truyền hình nên các sao cũng bị vắt kiệt sức. Chính điều này đã đẩy các bầu kịch vào tình thế khó, nên lịch tập các vở diễn mới luôn ở thế bị động.
Thứ nữa, kịch bản hay vẫn luôn thiếu. Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu kịch IDECAF), sân khấu kịch nói hiện khó nhất là kịch bản. Dù Tết này sân khấu kịch IDECAF chốt 4 vở diễn nhưng kịch bản xuất sắc vẫn là niềm mơ ước.
Cũng bởi thiếu kịch bản hay nên đến nay đã 2 mùa kịch Tết, sân khấu Idecaf không còn thuê nhà hát Bến Thành để tổ chức dàn dựng những vở kịch Tết hoành tráng như những năm trước đó. Trong khi đó, NSND Hồng Vân lại cho rằng, vẫn có những kịch bản hay nhưng “khổ là khán giả không chịu xem”.
Phân tích kỹ hơn, bà bầu Hồng Vân nói: Có những kịch bản, ai chịu khó vô xem đều bảo hay, bản thân chúng tôi là nghệ sĩ diễn cũng thấy sướng vô cùng nhưng không ai mua vé thì sao vở sống nổi. Trong khi có những kịch bản mình cảm thấy xàm xí gì đâu, kỳ cục, tập nhanh và không bị lao tâm khổ tứ khi tập vậy mà đông khách...
Cũng may mà IDECAF có dàn nghệ sĩ nổi tiếng và được khán giả mến mộ như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, nghệ sĩ Bạch Long, Lê Khánh, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Đức Thịnh… để giữ chân khán giả.
Trong khi đó, sân khấu kịch Hồng Vân không có những tên hot (vì nghệ sĩ hot thì còn bận đi sô) cũng phải tính “chiêu” khác, đó là đào tạo diễn viên trẻ để có một đội ngũ trụ lại.
Theo nghệ sĩ Hồng Vân, mỗi vở cố gắng có ít nhất vài diễn viên tên tuổi để diễn cùng các diễn viên trẻ, như “Ám ảnh kinh hoàng” có Ốc Thanh Vân, “Điều ước của quỷ” có Lê Giang, “Lục sắc” có Anh Vũ... Đây có thể nói là sự “gồng gánh” khôn ngoan để giữ sân khấu “sáng đèn”.
Cảnh trong vở “Hoa hậu ao làng”.
3. Bên cạnh sự sôi động của các sân khấu kịch Tết, sân khấu cải lương Xuân Đinh Dậu cũng ghi nhận sự khởi sắc. Nhìn lại trước đây, thấy sân khấu ngày Tết có vẻ “án binh bất động” khiến khán giả mộ điệu cải lương cũng không có chỗ để giải trí ngày Xuân.
Nhưng năm nay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã lên lịch hoạt động liên tục rạp Hưng Đạo trong suốt những ngày Tết Nguyên đán. Theo đó, những khán giả “bận quanh năm” có thể dừng chân xem những vở cải lương đặc sắc mà nhà hát đã đầu tư dàn dựng trong năm như: “Hiu hiu gió bấc”, “Hoa vương tình mộng”, “Đời như ý”…
Theo NSND Trần Ngọc Giàu- Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, thông qua việc biểu diễn cải lương trong những ngày Xuân để hy vọng sẽ tạo dựng lại thói quen đến rạp xem cải lương của rất nhiều khán giả mộ điệu sân khấu.
Bên cạnh Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, từ mùng 10 Tết, tại rạp Công Nhân, Ban Ái hữu nghệ sĩ và Công ty TNHH Giải trí Kim Tử Long tiếp tục thực hiện chương trình “Ba thế hệ - Về lại cội nguồn”, với sự tham gia trình diễn của NSƯT Trường Sơn, NSƯT Kim Tử Long, NS Thanh Hằng, NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Trinh Trinh, Bình Tinh…
Đây là chương trình dành cho nghệ sĩ nhiều thế hệ cùng đứng chung sân khấu, cùng gìn giữ niềm say nghề của nghệ sĩ lão thành, tiếp lửa cho các nghệ sĩ trẻ, đồng thời duy trì điểm diễn phục vụ khán giả yêu mến sân khấu tuồng cổ.