Rốt ráo cải tạo chung cư cũ

H.Hương – M.Sang 10/02/2023 07:49

Việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D (cấp cao nhất có thể đổ sập bất cứ lúc nào) đã được thực hiện ngay những ngày đầu năm Quý Mão. Hà Nội đang rốt ráo thúc đẩy việc cải tạo chung cư cũ.

Hà Nội vẫn còn nhiều chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Vinh.

Đã quá hạn là không thể sử dụng được

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã họp và yêu cầu UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D (mức độ nhà nguy hiểm, có thể sập đổ, cần di dời khẩn cấp), hoàn thành chậm nhất trong quí I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quí 2-2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quí III/2023.

Mới đây nhất, trong ngày 7/2, hai khu chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D là đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh và đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ thuộc quận Ba Đình đã hoàn thành việc di dời người dân. Chính quyền địa phương đã lập hàng rào chắn bảo vệ tại những khu vực này.

Theo thống kê Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, dự kiến chia 4 đợt cải tạo. Trong đó, đợt 1 xây mới và cải tạo 10 chung cư, triển khai từ nay đến năm 2025 gồm Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp.

Nhiều năm qua, mặc dù việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội tích cực chỉ đạo, nhưng trước những vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn quá chậm, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít chỉ đạt khoảng 1%. Đáng chú ý, có nhiều dự án đã quyết định đầu tư nhưng việc triển khai tư vấn lập quy hoạch rất chậm trễ, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Về việc vẫn còn nhiều người dân chậm di dời đến nơi tái định cư, theo ghi nhận của phóng viên, do họ không đồng tình với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư mà chính quyền đưa ra. Chưa kể một số người dân còn cho rằng, khu nhà vẫn ổn định ở lại chưa nguy hiểm đến tính mạng.

Cần cơ chế để đầu tư xây dựng

Giới chuyên gia cho rằng, nếu có những toà nhà đẹp, hiện đại đầy đủ tiện ích trường học, bệnh viện xung quanh, khi đó tự người dân sẽ xem xét di chuyển từ nơi ở không an toàn sang nơi ở đẹp, an toàn. Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ, Nhà nước cần đưa ra những cơ chế linh hoạt để tạo điều kiện cho người dân, các địa phương cũng có thể thu hút đầu tư, chủ động xã hội hóa.

TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng, phải đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ. Khẩn trương lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại và công bố công khai thông tin về quy hoạch này theo quy định của pháp luật để các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũng như người liên quan biết và thực hiện. Việc quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ cần phải được lập quy hoạch cho toàn khu, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch.

Bên cạnh đó cần sớm ban hành mức bồi thường làm cơ sở để các nhà đầu tư lập phương án bồi thường khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án; khẩn trương ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và tổ chức thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.

Theo thống kê bước đầu, hiện cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương hơn 3 triệu m2 sàn) với hơn 100.000 hộ dân sinh sống. Các nhà chung cư được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau và được bố trí tại các đô thị của địa phương. Một số địa phương có nhiều quỹ nhà chung cư cũ hiện nay như Hà Nội, TPHồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Ông Khôi cho rằng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ trong cải tạo chung cư cũ. Doanh nghiệp chưa đầu tư bởi chi phí phải bỏ ra lớn nhưng lại mang lại lợi ích không cao. Vì vậy, theo ông, các địa phương cần bố trí ngân sách và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, làm cơ sở để sớm xác định các nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, trên cơ sở đó lập kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định.

Nói về giải pháp cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, nếu cứ bàn về quyền lợi thì câu chuyện sẽ còn rất dài và không có hồi kết. Theo ông Cường, tòa nhà quá hạn sử dụng là không thể được sử dụng nữa, chứ đừng nói đến chuyện vẫn đem ra mua bán. Ở Việt Nam bây giờ giá những căn chung cư cũ có khi còn giá cao hơn cả căn mới, bởi nhiều người nghĩ rằng đợi đến khi được xây dựng lại sẽ có giá cao hơn. Thế nhưng, cần phải nghiêm túc xác định rằng, những tòa nhà cũ không đảm bảo an sinh xã hội, đe dọa tính mạng con người thì không đưa vào sử dụng nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rốt ráo cải tạo chung cư cũ