Rừng ngập mặn phát triển kinh tế và bảo vệ làng

TẤN THÀNH 30/10/2015 13:33

Tuy mới được triển khai hơn một năm, nhưng Dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn đã nhanh chóng đem lại hiệu quả. Bởi nó không chỉ có tác dụng giữ rừng mà còn giúp người dân phát triển kinh tế và chống lại gió bão bảo vệ làng một cách hiệu quả! Đó là dự án phục hồi rừng ngập mặn ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.  

Dự án phục hồi rừng tại Tam Giang đã mang lại hiệu quả và người dân quyết tâm chung sức bảo vệ rừng.

Mất rừng vì con tôm!

Nếu như vào những năm 1995, các khu rừng dọc ven biển Quảng Nam bị tàn phá nặng nề để nuôi tôm. Trong đó khu rừng ngập mặn hơn 100 ha của địa phương nói trên đã bị người dân chặt phá để làm hồ nuôi tôm. Thì hôm nay chính nhờ dự án phục hồi rừng ngập mặn hàng chục ha rừng đang được phục hồi xanh tốt.

Chạy xe máy dọc theo con sông Trường Giang nhìn ra phía biển, chúng ta dễ dàng nhận thấy, giờ đây rừng ngập đã phủ kín nhiều nơi. Rừng đã trở thành lá chắn sóng bảo vệ khu vực đê không bị sạt lở mỗi khi mùa mưa bão về. Ông Phạm Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Toàn xã có hơn 1.849 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và sông nước và địa phương có hơn 100 ha rừng ngập mặn, là cây bần, cây đước,… nằm dọc bờ sông Trường Giang là lá chắn sóng bảo vệ làng. Thế nhưng đến năm 1995, do con tôm thẻ chân trắng có giá, người dân bắt đầu đua nhau chặt phá rừng và lấn dòng sông Trường Giang để làm ao nuôi tôm với diện tích khoảng 170 ha. Dù xã liên tục tuyên truyền, xử lý nhưng người dân vẫn lén lút phá rừng”.

Thực tế việc phá rừng dọc ven biển Quảng Nam đã làm cho các nhà chức trách đau đầu. Đã có đến hàng trăm ha rừng thông, rừng ngập mặn bị tàn phá để nuôi tôm. Đã không ít lần chính quyền từ xã đến tỉnh đã xử lý. Thế những chỉ hạn chế và nạn phá rừng vì con tôm vẫn xảy ra. Bởi theo ông Châu: Do người dân chỉ thấy được cái lợi trước mắt, chứ không nghĩ về sau. Mãi cho đến năm 2007, con tôm hạ giá kèm với việc thua lỗ nên người dân đành bỏ hoang ao nuôi. “Rừng mất, mỗi mùa gió bão xã rất lo sợ khu vực đê chắn sóng bị xói lở. Như cơn bão số 9 năm 2009, bờ đê chắn sóng và khu vực rừng miếu bị sóng đánh cuốn phăng, sông ăn sâu vào đất liền. Việc phá rừng của người dân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến động, thực vật sinh sống trong rừng, nhất là tôm, cua, cá, chim, cò,…” - ông Châu nói.

Ông Nguyễn Ngọc Chính phấn khởi bên rừng bần, đước được phục hồi là lá chắn của xóm làng.

Khôi phục rừng để bảo vệ làng.

Trước tình trạng rừng ngập mặn bị tàn phá, UBND xã Tam Giang liên tục “cầu cứu” với các ngành chức năng huyện Núi Thành có biện pháp hỗ trợ phục hồi lại cánh rừng ngập mặn nhằm bảo vệ đê, bảo vệ xóm làng. Thế rồi mong ước của chính quyền địa phương và người dân cũng dần được đáp ứng. Theo đó vào tháng 6-2014 xã Tam Giang được huyện Núi Thành chọn để Trường Đại học Kinh tế Huế hỗ trợ 1ha cây đước, cây bần, cây mắm trồng thử nghiệm tại thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ. Sau khi rừng phát triển tốt, lúc này Dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn do BQL Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Núi Thành triển khai và hoàn thành cuối tháng 8.2015, với tổng diện tích trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,55ha, với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng.

Theo ông Châu: “Việc thực hiện dự án nói trên là hết sức cần thiết. Bởi mục tiêu của nó là nhằm bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven sông, bảo vệ các bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở bởi gió bão, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Còn ông Nguyễn Ngọc Chính, ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang chia sẻ: “Người dân quê tôi đã thấy tác hại của việc phá rừng và lợi ích thiết thực của dự án phục hồi rừng ngập mặn. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng trồng không để người dân chặt phá rừng như những năm về trước nữa”.

Thực tế, việc bảo vệ rừng tốt, thì rừng không chỉ là lá chắn sóng bảo vệ nhà của người dân mà rừng mà còn giúp phát triển kinh tế một cách hiệu quả. Vì rừng phát triển trở thành nơi sinh sản và trú ngụ của các loài thủy hải sản và chim chóc,... Nếu khai thác thủy hải sản đúng sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân. Thật đáng mừng khi chính quyền và bà con nơi đây đã cùng nhau ký vào cam kết trong quy chế ban hành quản lý và sử dụng rừng ngập mặn có hiệu quả. Ai xâm hại đến rừng bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Theo ông Phạm Hồng Châu, hiện tại, xã còn gần 70ha diện tích cần được khôi phục trồng rừng trong những năm kế tiếp. Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, quan điểm của ngành là giảm diện tích nuôi trồng thủy sản, mở rộng đất rừng phòng hộ. “Nếu không trồng được rừng phòng hộ ven biển thì sẽ rất khó phát triển ổn định các lĩnh vực khác. Thảm họa thiên tai liên tiếp cảnh báo nên không thể xem nhẹ đai rừng ven biển được ” – ông Đức nói.

Trước sự biến đổi khí hậu nói chung và sự tàn phá rừng ven biển của người dân địa phương. Có thể nói rằng, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở Tam Giang là hết sức thiết thực, hiệu quả nên đã được người dân địa phương phấn khởi đồng tình ủng hộ cao. Do đó dự án cần được nhân rộng.

1.000 tỷ thực hiện Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển

Đươc biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho 19 tỉnh, thành ven biển, trong đó có Quảng Nam. Diện tích rừng ven biển nước ta chiếm 3% diện tích đất lâm nghiệp nhưng góp phần duy trì đa dạng sinh học, phòng hộ chắn sóng, chắn gió bão hiệu quả. Đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới gần 60.000ha rừng, nâng cao độ che phủ của rừng ven biển lên 20%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng ngập mặn phát triển kinh tế và bảo vệ làng