Người Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có một loại rượu đặc biệt, gọi là rượu Tr’đin. Đặc biệt, bởi không phải chưng cất từ men với gạo trên ngọn lửa như ta thường thấy. Rượu Tr’đin được chiết xuất từ những giọt nhựa của một loại cây quý, tinh hoa của núi rừng, đó chính là loài cây có tên Tr’đin.
Cây Tr’đin còn có tên gọi khác là cây Đủng đỉnh hoặc Móc rượu. Đây là loài cây phổ biến ở núi rừng Tây Giang. Bà con Cơ Tu sinh sống ở miền rừng núi Tây Giang từ bao đời nay đã biết lấy nước từ cây Tr’đin, chế biến thành thứ “rượu trời” không nơi nào có được.
Để khai thác được thứ “rượu trời” hảo hạng này, những người đàn ông Cơ Tu tìm đến những khu rừng, khu rẫy có nhiều cây Tr’đin già. Đó là những cây cao hơn 5 m, thân thẳng đứng. Thường những chỗ như vậy, phải đi bộ ít nhất 20-30 phút.
Cây Tr’đin thường mọc ở những nơi ẩm ướt, nhất là những khu vực gần khe hoặc suối. Muốn biết chắc cây Tr’đin liệu có cho “rượu trời” hay không, thì phải đếm từ ngọn xuống, chừa 4 cuống lá già, đục đối diện với cuống lá già thứ 4 để xem có nước hay không. Khi đục, nếu thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều; ngược lại, nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. Nếu đục không đúng cách sẽ không có nước và có thể khiến cây sẽ bị chết.
Khi khai thác ở cây Tr’đin lần đầu, thì cần thời gian đi tìm mấy cây tre và các loại cây, dây rừng để làm thang trèo lên cho thuận tiện. Còn đối với những cây Tr’đin đã cho khai thác, thì cứ thế cầm theo can nhựa và dao rựa trèo lên. Thường ở những cây đang khai thác, những người đàn ông Cơ Tu đã treo sẵn một chiếc can nhựa, nối với thân cây bằng một ống nứa. Nước từ thân cây nhỏ giọt theo ống nứa xuống can nhựa. Nhấc chiếc can này đổ nước sang can mang theo, sau đó dùng rựa khoét một lỗ nhỏ trên thân cây, rồi treo chiếc can lại vị trí ban đầu. Chỉnh sửa máng dẫn nước từ thân cây ra can xong, là yên tâm đi sang cây khác để tiếp tục lấy “rượu trời”.
Nước từ cây Tr’đin có màu trắng đục, vị ngọt như đường. Trung bình, mỗi ngày cây Tr’đin to thường cho khoảng 3 - 4 lít nước.
Nước từ cây Tr’đin được người Cơ Tu đem về sơ chế bằng cách cho vỏ cây chuồn vào can nước Tr’đin để dung dịch lên men. Cây chuồn có hai loại là Apăng và Zuôn. Vỏ hai loại cây này phải được phơi khô trước khi bỏ vào nước Tr’đin nhằm tăng nồng độ rượu, tạo vị và giúp bảo quản rượu lâu ngày.
Tuy nhiên, nếu bỏ nhiều vỏ chuồn, rượu sẽ bị đắng, uống không ngon.
Rượu Tr’đin có vị thơm như sâm panh hơi chát làm tê tê đầu lưỡi. Rượu Tr’đin được người Cơ Tu sử dụng trong dịp Tết và lễ hội. Bên cạnh đó, loại rượu đặc sản của vùng đất Tây Giang thường được dùng để thết đãi những vị khách quý.
Để khai thác thường xuyên, hiện người Cơ Tu còn chủ động trồng cây Tr’đin. Như tại thôn Arung (xã Bhalêê, huyện Tây Giang) có người trồng hàng trăm cây Tr’đin để làm thương phẩm, thu hoạch lấy nước về chế rượu hảo hạng Tr’đin...
Người Cơ Tu còn có rượu T’vạt (đoát), Adương (song mây) uống rất ngon và bổ. Nhưng “Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn” vẫn là rượu Tr’đin. Mùa xuân, mùa hè người Cơ Tu uống rượu T’vạt; mùa thu, mùa đông người Cơ Tu uống rượu Tr’đin. Các làng người Cơ Tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây T’vạt nhưng cây Tr’đin thì chỉ có ở Tây Giang – huyện miền núi nằm sát biên giới Việt - Lào.