Xã hội

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động mất đi 4 quyền lợi lâu dài

Lê Bảo 19/03/2024 06:52

Trong tháng 2/2024, cả nước có 70.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Con số này đã giảm so với những tháng cuối năm 2023.

anhbaitren(3).jpg
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh: Lan Hương.

Nỗi lo rút BHXH vẫn còn hiện hữu

Thời gian qua, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng và vẫn đang duy trì ở tỷ lệ cao hàng năm. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị được hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 100.000 người hưởng BHXH một lần. Số người rút BHXH một lần chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tại Hà Nội, theo thống kê của BHXH Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ một lần cho 4.626 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người rút BHXH một lần trên địa bàn Hà Nội tăng 809 người, tương ứng với mức tăng 21,19%, nhưng không đáng kể so với mặt bằng chung.

Nhận về chế độ BHXH một lần, người lao động bị mất đi 4 quyền lợi lâu dài. Đó là không được nhận lương hưu hằng tháng khi về già; mất tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà mức hưởng khi khám, chữa bệnh BHYT thấp hơn người có lương hưu được cấp thẻ miễn phí. Khi qua đời, thân nhân không được trợ cấp mai táng, không được hưởng trợ cấp tuất. Mặc dù vậy, số người rút BHXH một lần chưa có dấu hiệu dừng lại. Phân tích nguyên nhân, các cơ quan chức năng chỉ rõ, người lao động rút BHXH một lần do nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó là những năm gần đây, không ít người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, buộc họ phải tiêu trước “của để dành”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong tổng số 22% tiền đóng vào Quỹ BHXH với mỗi người lao động, thì doanh nghiệp phải đóng 14%, người lao động đóng 8%. Với cán bộ, công chức, khoản 14% là kinh phí từ ngân sách.

Về bản chất, khoản 14% doanh nghiệp đóng BHXH cũng nằm trong tiền lương của người lao động, tuy nhiên, khi đóng khoản này, doanh nghiệp được Nhà nước giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì thế, tiền đóng BHXH không hoàn toàn là của người lao động cũng không phải là khoản tiền tiết kiệm.

Khoản tiền đóng BHXH là khoản tích lũy an sinh, Quỹ BHXH do Nhà nước quản lý, vì mục tiêu bảo đảm đời sống, an sinh cho người dân, nên khoản này không bị mất đi, càng không để người lao động chịu thiệt thòi.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, nếu hưởng BHXH một lần và không sớm trở lại hệ thống, họ sẽ không được hưởng lương hưu, không được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng cho người lao động, đồng nghĩa tuổi già thiếu điểm tựa an sinh. Ngoài ra, khi người lao động qua đời, thân nhân không được hưởng các khoản trợ cấp tử tuất…

Tìm giải pháp giữ chân người lao động

Trước thực trạng trên Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đã có 2 đề xuất liên quan đến BHXH một lần. Thứ nhất, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Thứ hai, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 2 phương án cho trường hợp hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà không đủ 20 năm đóng BHXH. Cụ thể đề xuất quy định việc hưởng BHXH một lần cho 2 nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất là người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần như quy định hiện hành.

Nhóm thứ hai là những người đi làm, bắt đầu tham gia BHXH sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì không được nhận BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc như quy định hiện hành. Ngoài ra, ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất cho người lao động được rút BHXH một lần theo các điều kiện như quy định hiện hành. Tuy nhiên, người lao động chỉ được giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng BHXH, thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng các chế độ BHXH.

Trước bối cảnh số lao động lựa chọn giải pháp hưởng BHXH 1 lần ngày càng gia tăng theo các chuyên gia việc đưa ra các phương án cho phù hợp là rất cần thiết.

Theo ông Tô Hoài Nam - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận BHXH một lần tăng là do việc thiết kế chính sách BHXH hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của người lao động. Vì vậy, quá trình sửa đổi Luật có những giải pháp để khuyến khích, giữ người lao động ở lại hệ thống BHXH là rất cần thiết. Trong đó, việc bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích để mọi người lao động có thêm cơ hội được hưởng lương hưu là hết sức quan trọng. Cùng với đó quá trình cải cách chính sách quan trọng nhất là cần chú trọng làm sao để chế độ lương hưu phải tốt hơn hưởng BHXH một lần, như vậy mới khuyến khích người lao động chờ hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, đối với nhóm có khó khăn thực sự thì cần có chính sách hỗ trợ tại thời điểm họ gặp khó khăn, qua đó giúp họ từ bỏ ý định rút BHXH một lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động mất đi 4 quyền lợi lâu dài