Môi trường kinh doanh đã và đang tiếp tục được nhà quản lý nỗ lực cải thiện. Những thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành... đã được nhà chức trách rút gọn, đơn giản hơn để giảm áp lực về thời gian và những chi phí phát sinh cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn gặp phải không ít rào cản trong sản xuất, kinh doanh, nhất là rào cản trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Các khó khăn chính thường xoay quanh những nội dung về trình tự thủ tục, thời gian giải quyết, hệ thống công nghệ thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, thái độ của cán bộ ngành hải quan…
Một doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cho hay, họ vẫn đang gặp phải những phiền hà trong việc thực hiện các thủ tục như thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa; hoàn thuế và nộp thuế... “Quy định hay thay đổi, có sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan hải quan với các cơ quan khác, bị yêu cầu cung cấp giấy tờ ngoài quy định... Đó còn chưa kể thái độ của cán bộ đối với doanh nghiệp cũng khiến cho DN e ngại mỗi khi tiến hành thực hiện xuất khẩu một lô hàng” - DN này cho biết.
Thời gian qua, nhằm gỡ khó cho vấn đề về thủ tục hành chính, thủ tục hải quan giúp môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của cộng đồng DN, nhà quản lý đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản.
Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, dự thảo bao hàm nhiều cải cách, thay đổi lớn mà một trong những nội dung trọng tâm là thủ tục hải quan. Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn bổ sung khai chi tiết thông tin phương tiện vận tải ô tô, mô tô xe hai bánh, gắn máy trên tờ khai hải quan để thay cho các chỉ tiêu thông tin về tờ khai nguồn gốc. Đây là cơ sở cho cơ quan hải quan giải quyết thông quan nhanh chóng hơn.
Về địa điểm đăng ký tờ khai, tiếp tục kế thừa quy định hiện nay, dự thảo cho phép DN đăng ký tờ khai tại nơi hàng hóa vận chuyển đến, nơi lưu giữ, cảng đích ghi trên các vận tải đơn. Ngoài ra, các địa điểm làm thủ tục hải quan khác, cho phép DN có trụ sở, chi nhánh, cơ sở sản xuất, trụ sở văn phòng công ty ở đâu thì phải vận chuyển hàng hóa về điểm đó để đăng ký.
Dự thảo Thông tư cũng đẩy mạnh trao đổi, kết nối, chia sẻ thông tin hồ sơ hải quan với bộ, ngành và DN để qua đó cắt giảm các thủ tục hành chính.
Những động thái nói trên cho thấy sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan quản lý trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó giúp cho DN giảm nhiều áp lực về thời gian, về chi phí. Khi DN giảm được các áp lực nói trên, họ sẽ dành được nhiều hơn quỹ thời gian, vốn của mình cho việc đầu tư vào quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó nâng sức cạnh tranh. Nói như TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu ngày càng dễ tiếp cận hơn. DN cũng hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi DN gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin. Những chuyển biến tích cực được DN ghi nhận việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, nộp thuế, hoàn thuế không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại bộc lộ rõ nét.
Và đó là những yếu tố cần thiết để hỗ trợ cộng đồng DN trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid -19 cũng như hội nhập sâu hơn.