Hiện, một bộ phận bạn trẻ nghĩ rằng, cứ đoạt giải tại một cuộc thi sắc đẹp là sẽ “đổi đời”, sẽ nổi tiếng. Đó là lý do mà không ít phụ nữ lao vào các cuộc thi sắc đẹp, bất biết đó là cuộc thi gì, do đơn vị nào tổ chức, có uy tín hay không. Cũng vì thế mà các cuộc thi sắc đẹp nở rộ, nhà nhà tổ chức, người người tổ chức. Nhiều người đã bị lừa, hoặc phải bỏ tiền ra để mua danh hiệu hão.
Trăm hoa đua nở
Từ cuộc thi sắc đẹp đầu tiên do Báo Tiền phong tổ chức năm 1988, tới nay đã xuất hiện thêm rất nhiều cuộc thi sắc đẹp khác với những cái tên na ná như nhau khó mà phân biệt. Theo đó, hàng năm có đến hàng chục cuộc thi sắc đẹp do các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, mời chào những phụ nữ trẻ tham gia. Nếu như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền phong tổ chức hàng năm đã tạo dựng được uy tín, được dư luận xã hội công nhận thì không ít cuộc thi sắc đẹp khác mở ra chỉ để chọn “chân dài”, để mua bán danh hiệu. Đó là lý do mà không ít cuộc thi sắc đẹp đã xảy ra “lình xình” trước, trong và sau khi diễn ra.
Nói đâu xa, mới đây thôi, một phụ nữ đoạt vương miện cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 đã có đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc ban tổ chức cuộc thi có dấu hiệu lừa đảo. Theo nội dung đơn tố cáo của “hoa hậu” này, tại cuộc thi Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020, cứ ai nộp tiền nhiều là sẽ có giải. Có thí sinh đã phải nộp số tiền “phí” lên đến cả tỷ đồng. Cụ thể, mỗi thí sinh tham gia cuộc thi đều phải đóng 18 triệu đồng “lệ phí đăng ký” và đóng thêm nếu muốn có danh hiệu. Vương miện Hoa hậu có giá 800 triệu đồng, Á hậu 1 là 400-500 triệu đồng, Á hậu 2 là 300 triệu đồng. Hàng chục giải phụ khác như Miss dạ hội, Miss cộng đồng, Miss du lịch, Miss thời trang, Miss body đẹp, Miss thân thiện, Miss làn da đẹp, Miss nụ cười đẹp... có giá “hữu nghị” 50 triệu đồng.
Thôi thì cứ tạm chấp nhận đây không phải là hành vi lừa đảo, mà chỉ là “chung tay đóng góp” cho cuộc thi. Song, vấn đề ở chỗ đây lại là cuộc thi “chui” không hề xin phép và cũng chẳng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chính lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trả lời báo chí rằng, dù là cơ quan có thẩm quyền cấp phép các cuộc thi sắc đẹp (từ 31/1/2021 trở về trước), nhưng đơn vị này lại không hề biết đến một cuộc thi có tên Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020, cũng chẳng thấy doanh nghiệp nào đến đăng ký. Vì thế, dù đoạt vương miện hoa hậu, á hậu, người đẹp này nọ, các thí sinh cũng không thể được ban tổ chức trao giấy công nhận danh hiệu như những cuộc thi hợp pháp khác.
Không chỉ cuộc thi sắc đẹp này, mà không ít cuộc thi sắc đẹp khác dù đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức, nhưng cũng để lại nhiều tai tiếng, làm giảm giá trị nhân phẩm của thí sinh, mất đi mục tiêu đặt ra ban đầu là tôn vinh phái đẹp. Dư luận cho rằng, một số cuộc thi sắc đẹp được tổ chức chỉ đơn giản là “xé vé lấy tiền” (bán danh hiệu), thậm chí tệ hại hơn là nơi tuyển chọn “chân dài” cho các đại gia lắm tiền nhiều của. Chẳng thế mà một số người sau khi đạt danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp đã có đại gia “bao trọn đời”, “bao tháng”, hay đi bán dâm giá cao.
Vì sao nên nỗi?
Thực ra câu trả lời cho vấn đề vì sao lại nở rộ nhiều cuộc thi sắc đẹp thế, vì sao lại nhiều phụ nữ ham muốn danh hiệu đến vậy, hết sức đơn giản. Đó là vì hầu như tất cả những phụ nữ đạt danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp sau đó đều khá nổi tiếng và “đổi đời” theo đúng nghĩa đen trần trụi của nó. Theo hướng tích cực, những người đạt vương miện hoa hậu, á hậu 1, á hậu 2, thậm chí chỉ là người đẹp bãi biển, người đẹp áo dài, người đẹp bikini... thì lập tức có nhiều nhãn hàng chào mời quảng cáo sản phẩm, làm đại sứ thương hiệu... Chỉ vậy thôi cũng đã kiếm bộn tiền rồi.
Đó là mới chỉ nói một cách kiếm tiền nhanh nhất, đơn giản nhất, chưa kể đến những hình thái kiếm tiền khác mà danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp mang lại cho người đoạt giải. Hàng loạt những lợi ích phát sinh từ danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp, hay nói một cách thô thiển là các “dịch vụ ăn theo” danh hiệu người đẹp rất nhiều không thể kể hết.
Ngoài ra, còn phải kể đến những hình thức kiếm tiền nhanh hơn, đỡ “mất mồ hôi” hơn, đó là việc chấp nhận là sugar baby của một sugar daddy sống trên tiền nào đó. Nếu biết cách làm “daddy” hài lòng, có lẽ cả đời người đẹp sẽ chẳng phải lo cái ăn cái mặc, một bước lên xe hơi, nhà lầu. Tệ hơn một chút thì sẽ là “bố con” trong một thời gian ngắn, nhưng chừng đó cũng đủ cho không ít người đẹp tha hồ xài đồ hàng hiệu, với những chiếc túi xách lên tới cả trăm triệu đồng, những chiếc đồng hồ hàng chục nghìn đô la. Ngoài ra còn có thể theo hình thức “bạn gái tạm thời” cùng đi du lịch, hay chỉ đơn giản qua đêm cũng có thể kiếm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn “tiền Mỹ”.
Tất nhiên, những người đẹp lao vào con đường kiếm tiền kiểu này không nhiều, chỉ có những cô gái “dày ăn, mỏng làm”, mới chấp nhận bán thân như vậy. Song, hiện lại có khá nhiều cô gái đang cố tìm cách lao vào các cuộc thi sắc đẹp với mục tiêu, thậm chí là khát vọng kiếm tiền. Với không ít người trong số đó, việc kiếm tiền là đích đến cuối cùng khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp, dù là theo hướng tích cực hay tiêu cực với họ không quan trọng. Đạt danh hiệu tại một cuộc thi sắc đẹp sẽ nổi như cồn, sẽ giàu có, nhàn hạ, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, “một bước lên xe, hai bước xuống ngựa”, ai mà chẳng ham? Vấn đề chỉ là kiếm tiền hợp pháp, giữ gìn nhân cách, hay bất chấp liêm sỉ để đánh đổi phẩm giá lấy tiền mà thôi.
Cần kiểm soát chặt
Trả lời báo chí về việc làm thế nào để chấn chỉnh sự lộn xộn của các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu thời gian qua, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, tới đây sẽ giao việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp về cho địa phương để đảm bảo xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021. Kể từ thời điểm Nghị định 144 có hiệu lực thi hành, các cuộc thi nhan sắc muốn được tổ chức phải có sự chấp nhận của UBND cấp tỉnh. Điều này được quy định rõ tại Điểm b, Khoản 2, Điều 13, Nghị định 144.
Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) Trần Hướng Dương chia sẻ với báo chí: “Các cuộc thi sắc đẹp giao cho chính quyền địa phương quản lý, nếu họ thấy cuộc thi phù hợp với sự phát triển của địa phương thì chấp nhận cho tổ chức. Giao quyền cho địa phương sẽ giúp họ xử lý rất nhanh, ví dụ cuộc thi Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 chẳng hạn, nếu thẩm quyền thuộc về Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - PV) thì các cơ quan liên ngành trên địa bàn sẽ vào cuộc và xử lý rất nhanh...”.
Song, dư luận xã hội lại không hề thấy yên tâm khi mà chưa có các quy định pháp lý chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát không để các cuộc thi sắc đẹp diễn ra “bát nháo” như thời gian qua. Theo quy định của Nghị định 144, thay vì Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép các cuộc thi sắc đẹp thì nay chuyển về cho UBND cấp tỉnh, cũng không thể giải quyết triệt để thực trạng “loạn” thi sắc đẹp. Việc thay cơ quan cấp phép chỉ có tác dụng giúp cho đơn vị, doanh nghiệp xin phép nhanh hơn, thuận tiện hơn, chứ không phải là chế tài để kiểm soát các cuộc thi này.
Chẳng phải trước kia Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp, thanh tra văn hóa các địa phương vẫn có trách nhiệm kiểm tra giám sát nhưng vẫn để xảy ra sự lộn xộn đó sao? Giờ chỉ là chuyển thẩm quyền cơ quan cấp phép liệu có thay đổi được thực trạng mua bán sắc đẹp hay không? Có lẽ chỉ có các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa, từ Trung ương tới địa phương mới có thể trả lời được cho dư luận vấn đề nan giải này. Dư luận hy vọng tới đây việc mua bán sắc đẹp sẽ được kiểm soát chặt, để mỗi cuộc thi sắc đẹp thực sự tôn vinh phái đẹp, đồng thời tránh xảy ra tiêu cực gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội.