Mùa đông. Phố lạnh. Sắc áo len trên phố sao mà đẹp, mà duyên. Những cô nàng mặc áo len thụng, tay dài, đánh son hồng, son đỏ thật là xinh đẹp. Những chị, những cô cũng chọn cho mình những cái áo len màu trầm hay len kim tuyến thật là sang. Phố mùa đông vội vã nhưng sắc màu áo len vẫn thật bắt mắt, đó là 1 kiểu dáng mới, một sắc màu ưng ý hay gợi về 1 chuyện xa lắc của áo len thủa nào.
Ngày ấy, cái ngày nghèo khó tấm áo lành, áo ấm được ưu tiên trước tấm áo đẹp. Những áo bông Tàu, áo trấn thủ, áo sợi… thì làm sao sánh được với áo len. Chủ nhân mặc quần phăng với 1 tấm áo len chiết eo đi xe đạp thì phải nói là ‘’ hút hồn’’ bao người. Ngày ấy len hiếm lắm, len gia công, len bao tải rặm rì mà có vài lạng cũng quý, tùy màu mà tính đan áo cho ai trong nhà, nếu 1, 2 lạng có khi chỉ đủ đan cái khăn. Mãi sau này hàng miền Nam ra, người miền Bắc mới biết đến len Miền Nam, len Sài Gòn, hay len Vĩnh Thịnh. Đó là thứ len tuyệt đẹp, sợi đôi, săn chắc, màu sắc nét và đặc biệt là không phai màu mỗi khi giặt.
Len Vĩnh Thịnh sợi đôi, đan lên tấm áo sợ mỏng, nhiều người lại ngồi tách sợi 1 để rồi chập thành sợi 3 mới đan. Có thể nói chủ nhân nào có cái áo len Vĩnh thịnh hay len Sài Gòn đan ‘’cốt’’ thì có thể ‘’thách đấu’’ với gió mùa Đông Bắc ngày đó.
Xưa hiếm len, sợi nhưng lại nhiều người biết đan. Có len mới là khó chứ cánh chị em, bác cháu chụm đầu dạy nhau đan là chuyện bình thường. Bên ngọn đèn dầu, những mũi ki đan cần mẫn dạy cho những cô gái kiên trì và khéo léo. Đã có khi mải đan đến cháy xèo xèo cả tóc. Người thì gọi là ‘’vắt mũi’’, người lại gọi là ‘’bắt mũi’’, chỉ có thế mà trẻ con cũng cãi nhau loạn lên. Dù chưa được cầm vào cây kim đan của mẹ, của chị nhưng những đứa trẻ vẫn vô cùng háo hức với chiếc áo mẹ hay chị đang đan cho mình. Có đứa lại mong mẹ đan xong áo mới cho chị nó sẽ được thừa hưởng cái áo chị nó mặc đã ngắn.
Phải công nhận là len ngày xưa tốt, mặc sà sã mùa nào cũng mặc, độc nhất áo mùa đông, phải tính ngày nghỉ, nắng hanh, đun nồi nước bồ kết để giặt áo, mẹ mặc, con mặc, chị mặc, em mặc, ’’mấy đời chủ’’ thì cái áo mới chịu bạc và mòn.
Nhà nào ‘’có của’’ thì áo ấy mới bỏ đi, chứ nhiều nhà khó, kiếm miếng mụn vá vào khuỷu tay hay bả vai cho con mặc tiếp. Nhìn cái áo bằng vải vá còn tính được độ vụng hay khéo của người cầm kim, nhưng nhìn cái áo len vá chỉ thấy …nghèo. Áo len, chẳng may bị rách, bị rút sợi thì phải ’’sang sợi’’ chứ ai lại vá thế này. Nhưng nghèo khó, thiếu thốn, có cái áo cho con trẻ mặc ấm khỏi ho hắng, xổ mũi là quý rồi, biết là vá xấu, nhưng phải dằn lòng.
Có thể, cái áo len cũ còn ‘’cứu được’’ thì nó lại được gỡ ra thành cuộn, hấp trong cái nồi nước sôi trong bếp và kết hợp với 1 vài cuộn len mới mà thành 1 tấm áo mới. Hẳn là 1 sự kỳ công và khéo léo để có được sự pha màu hài hòa, chấp nhận được giữa len cũ và len mới. Làm được việc này phải là 1 người ‘’cao tay’’ chứ cánh chị em chỉ biết ‘’đan trơn’’, chiết nách, chiết cổ còn phải hỏi thì thường là… không dám đụng vào.
Nhớ lại những ngày gian khó ấy, những bà những bác toát mồ hôi vì sợ. Và câu chuyện đan len với những ‘’đại ca’’ thời ấy cũng lại ùa về. Không như cánh ‘’không chuyên’’ cánh ’’chuyên nghiệp này’’ đan len 4 mùa, bất chấp cả mùa hè 37, 38 độ họ vẫn đan. Đan đến mòn ngắn củn cả đôi kim đan vót bằng đũa ăn cơm, đan đến mức mà không cần nhìn thì vẫn đan, vẫn chiết không sai mũi nào.
Bất kể đan vặn thừng, đuôi công hay pha màu đều chấp hết. Chỉ cần nhìn mẫu là biết mấy lên, mấy xuống hay bỏ mũi nào để thành lỗ khi đan đuôi công. Những mũi đan cần mẫn ấy ‘’gánh’’ được bao việc trong nhà. Nhỏ thì từ ‘’len góp’’ mà em út được cái áo pha màu, năng nhặt chặt bị tiền đan thuê của mẹ và của chị sau này đủ tiền mua cái xe đạp cho chị vào cấp 3, thêm thắt sửa được bếp, hay đóng được cái bàn học cho mấy chị em…Và có những tấm áo len, áo sợi có tuổi đời đến 40 – 50 năm vẫn được 1 chỗ trang trọng trong tủ của mẹ, để mỗi khi nhớ các con xa nhà mẹ lại lần giở. Một tấm áo mà 3 chị em nó thay nhau mặc, nghèo thật là nghèo, nhưng biết làm sao. Các con vẫn phải nhắc bà ’’Chuyện đã qua rồi", sau này bà có áo len Vĩnh Thịnh dành dụm dệt kim tuyến, lại áo dạ, áo lông Tây Tàu đủ cả là vui rồi. Nói thế chứ mẹ bùi ngùi nhớ, con cái cũng rưng rưng. Nhìn cái áo cũ thấy cả những mùa đông ấm áp, sum vầy.
Vẫn chuyện đan lát, đâu chỉ len mà đôi khi nguyên liệu lại là sợi hoặc mút. Sợi đan thì dão dào dào, nhưng vẫn là câu chuyện lúc khó khăn có được mấy con sợi để mà đan áo là quý rồi. Vấn đề chỉ ở chỗ bàn tay người đan mà thôi. Còn với mút, thì sự tính toán phải khác, nếu không khéo và tính chuẩn thì 1 là cổ không ôm khít vừa xấu vừa không ấm. Hai là chiết chặt quá chui đầu vào, ra rất khó. Nói chung là sợi hay mút cũng đều là thứ nguyên liệu xếp sau len.
Rồi sau này những cuộn len lăn qua lăn lại những to, những bé không còn vị trí ‘’oai oách’’ như xưa, nó đã ngập các tủ, các quầy trên phố, trong chợ. Những cái máy dệt len giăng mắc lên như thể tranh hết việc của những người thợ đan chuyên nghiệp năm nào. Đúng thật, khi cần các chị các em có thể mua ngay được cái áo len dệt sẵn, đắt rẻ đều có cả, màu sắc thì phong phú. Thế nhưng, vẫn có người cẩn thận, muốn dệt cái áo cho mình và thế là đủ cho những máy dệt len có mặt trên phố với 1 biển hiệu nho nhỏ. Những năm đó vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước.
Những tưởng là hàng thời trang nhập khẩu nhiều lên từng ngày, áo len không còn quý hiếm như xưa, treo kín sạp, kín cửa hàng khắp đô thành, phố thị cho đến chợ tỉnh, chợ huyện thì không còn người nào cặm cụi ngồi đan áo như xưa nữa. Không phải, những người yêu nhau vẫn còn đan áo, đan khăn cho người mình yêu. Mua tấm áo dệt sẵn thì nhanh, nhưng đan áo phải tính bằng tháng bằng mùa, nhưng họ vẫn đan và đợi. Đợi đông sang, cho người yêu của mình quàng khăn hay thử áo. Có tấm áo đan cho người vô tâm, vô tình chẳng bao giờ biết được trong mũi kim có sợi tóc lấn vào sợi len.
Bao mùa đông qua đi, người còn giữ áo?
Nay phố đông xôn xao, mùa đằng đẵng, lạnh ngăn ngắt thì cũng không ngăn nổi bước chân người đi thưởng cái lạnh đặc sản mùa Đông xứ Bắc. Mấy ai ngờ rằng có những cửa hàng, những con phố, những quầy siêu thị len vẫn xếp ngập và còn khá nhiều người tìm mua.
Người lớn nhớ len vẫn mua kim, mua len về đan tấm áo cho con, cho cháu. Người trẻ học trên mạng, học nhau vẫn mua len về đan cho mình, cho bạn tấm khăn. Và có rất nhiều những thiếu nữ, những người đang yêu lại ‘’bắt mũi’’ đầu tiên để đan cho người mình yêu 1 tấm áo. Có người nhủ lòng phải đan thật nhanh để kịp Noel, kịp Tết và có ai đó lại nhắc đến nàng Bân để rồi cùng cười giòn tan…
Thời nào chẳng thế, nàng Bân hay nàng nào chẳng thế, ai cũng muốn đan, muốn bện tấm áo cho người mình yêu, còn tấm áo ấm áp đến mức nào nhiều khi lại phụ thuộc vào … thời tiết và số phận.