Chúng tôi trở lại vùng “rốn lũ” Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) khi dòng Kiến Giang đã bình yên, trong xanh trở lại. Trên bãi bờ, sắc xanh của những luống rau, ruộng lúa đã trải dài theo con nước. Bên những ngôi nhà vừa xây mới ấm tình người, nụ vàng hoa mai bung nở, người dân vùng lũ phấn khởi đón xuân vui Tết.
Màu xanh trên những cánh đồng
Ngay khi cơn lũ lịch sử đi qua, người dân ở bên bờ Kiến Giang đã dồn sức khôi phục thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống. Nếu như ba tháng trước, các địa phương như Lộc Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, Mỹ Thủy, thị trấn Kiến Giang… bị ngập sâu trong lũ thì nay đã hồi sinh, trở mình vươn lên.
Dọc các trục đường bê tông chạy dài liên xã, chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương, tăng gia sản xuất. Nỗi buồn đã qua và niềm vui hừng trên từng nét mặt của người lao động. Trên cánh đồng ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, người nông dân hào hứng gieo trồng vụ đông xuân. Nghỉ tay khi đang làm cỏ, vợ chồng chị Lê Thị Mận phân bua, trước khi nước lũ rút đi cũng đã kịp thời bồi đắp một lượng phù sa màu mỡ cho cánh đồng. Vụ đông xuân này, chúng tôi kỳ vọng sẽ đón nhận vụ mùa bội thu.
Xa xa trên cánh đồng của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) rộn ràng tiếng máy cày. Không khí tất bật cho vụ gieo trồng mới được bắt đầu. Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX, Phó trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thượng Phong cho biết, vào vụ mới, chúng tôi gieo trồng trên diện tích 250ha đất nông nghiệp. Những ngày nắng ấm này, hợp tác xã đã huy động máy móc cơ giới để thực hiện các khâu làm đất, thủy lợi, gieo trồng… để kịp thời gian mùa vụ.
Trong khi đó ở làng rau xã Hồng Thủy, màu xanh đã phủ khắp đồng đất nơi đây. Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, chỉ một thời gian ngắn sau khi nước lũ rút đi, bà con đã ra vườn xới đất trồng cây, chăm bón từng luống rau. Đến nay, Hồng Thủy đã có 292 ha diện tích trồng rau màu các loại.
Trên mảnh vườn rộng trồng đủ các loại rau màu, ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Mốc Thượng, xã Hồng Thủy cho hay, khi nước lũ rút hết ra ngoài cánh đồng, người Hồng Thủy đã vác cuốc ra vườn tranh thủ làm đất, lên luống để chuẩn bị trồng vụ rau màu. Tầm chục hôm sau là đã thấy màu xanh của mầm cải, mầm ngò, xà lách, tần ô (cải cúc) phủ lên ruộng vườn.
Tranh thủ trời hửng nắng, thời tiết ấm lên sau đợt rét kéo dài, vợ chồng ông Minh đang thu hoạch diện tích su hào, cà rốt. Ngay cả hai bên lối đi vào căn nhà nhỏ cũng được đôi vợ chống tận dụng ươm trồng các loại rau, không bỏ trống bất cứ một mẩu đất nào.
Chủ tịch xã Hồng Thủy cho biết thêm, thế mạnh của Hồng Thủy không chỉ là rau xanh mà còn là vùng trồng hoa mang lại thu nhập khá cho người dân. Mỗi hécta diện tích trồng hoa của xã cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm, trong khi toàn xã có đến 14ha trồng hoa các loại, đây là một nguồn thu không hề nhỏ của người dân, nhất là vào dịp Tết.
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Phó Ban Thường trực cứu trợ tỉnh chia sẻ, để hỗ trợ kịp thời giống sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân cho người dân bị thiệt hại bởi lũ lụt lịch sử, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã phân bổ từ Quỹ Cứu trợ 10 tỷ đồng (thông qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh).
Những ngôi nhà mới
Thiên tai đi qua, tình người ở lại; với sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình; sự chung tay của cộng đồng, nhiều gia đình ở vùng lũ Quảng Bình đón Tết Nguyên đán trong ngôi nhà mới kiên cố, ấm áp tình đoàn kết.
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, trong trận lũ lụt lịch sử tháng 10 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 101 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn và 123 ngôi nhà bị hư hỏng từ 40 đến dưới 80%. Để giúp người dân sớm an cư lạc nghiệp, Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho mỗi gia đình không may có nhà bị sập hay hư hỏng trên 80% và 20 triệu đồng cho các gia đình có nhà bị hư hỏng từ 40 đến dưới 80%.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, gia đình anh Võ Văn Sáng ở đội 3 Lộc An, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) tất bật dọn dẹp đồ đạc vào ngôi nhà mới. Niềm vui đã khiến anh Sáng quên đi nỗi vất vả trong suốt thời gian hơn 3 tháng xây dựng nhà vừa qua. Ngôi nhà được xây dựng kiên cố, vững chãi từ sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cùng với sự chung tay của cộng đồng xã hội và bà con anh em giúp đỡ.
Anh Sáng chia sẻ, trong đợt lũ vừa rồi, nước lũ dâng cao ngang mái nhà. Nước chảy xiết đã làm sập và cuốn trôi ngôi nhà của anh chị. Khó khăn chồng chất khó khăn khi số tài sản vợ chồng gom góp bấy lâu cũng trôi theo dòng nước lũ. Thương hoàn cảnh gia đình khó khăn, Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã chia sẻ giúp đỡ gia đình xây dựng lại ngôi nhà. Bây giờ có ngôi nhà mới, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh sống tạm. Tết này, gia đình tôi có nơi sum vầy, từ nay cũng bớt lo lắng mỗi khi nước lũ đổ về.
Ông Phạm Văn Hiệu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết, trong đợt lũ vừa qua trên địa bàn xã có 18 ngôi nhà ở bị sập hoàn toàn, 17 ngôi nhà bị hư hỏng từ 40 đến dưới 80%.
Nằm giữa vườn rau lên xanh, ngôi nhà kiên cố của bà Nguyễn Thị Hiên ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy được hoàn thiện trước Tết. Sum vầy bên mâm cơm ngày cuối năm cùng các con, bà Hiên mừng vui ứa nước mắt. Bởi trong thâm tâm bà chưa dám ao ước có được ngôi nhà kiên cố mà nay đã trở thành sự thật. Từ sự quan tâm của Ban công tác Mặt trận thôn, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã hỗ trợ cho bà Hiên ngôi nhà để đón Tết… Cũng vào dịp giáp Tết này, 13 hộ gia đình ở xã Hồng Thủy cũng vui mừng trong ngôi nhà mới khi nhận được sự hỗ trợ của Mặt trận các cấp.
Bên những luống rau lên xanh, trong những ngôi nhà mới thơm mùi sơn, hình như mùa xuân đang đến sớm với người dân nơi vùng lũ ở Quảng Bình. Trước hiên nhà của người dân nơi rốn lũ, những cành mai đang ra lộc non, báo hiệu một năm mới ấm no, hạnh phúc. Người dân vùng rốn lũ Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nở nụ cười ấm lòng đón xuân sang.