Những ngày này, đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động chào đón Tết cổ truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Sắc xuân trên bản làng về với Thủ đô
Theo thông tin từ Ban quản lý (BQL) Làng Văn hóa, các hoạt động với chủ đề “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả sẽ mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân. Hội tụ về đây có đại diện già làng, trưởng bản, nghệ nhân của các cộng đồng dân tộc, đến từ 16 dân tộc như Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer… Bà con mỗi dân tộc sẽ mang tới đây những sản vật đặc trưng, những điệu múa, lời ca của dân tộc mình để giao lưu với nhau và biểu diễn cho du khách cùng thường thức. Cùng với đó, là những hoạt động lễ hội đặc sắc của nhiều dân tộc trên mọi miền tổ quốc.
Ông Trịnh Ngọc Chung - quyền Trưởng BQL Làng Văn hoá cho biết, đến thời điểm hiện tại, Làng Văn hóa đã phối hợp với các địa phương ban hành các kế hoạch chi tiết. Trong đó đề cao tổ chức tái hiện lễ hội phong tục tập quán của các dân tộc phù hợp với không khí ngày đầu năm mới. Đó là những lễ hội mang tính truyền thống, đã được các dân tộc, địa phương duy trì. Hướng tới không chỉ bảo tồn gìn giữ mà còn tạo ra không khí đầu xuân năm mới, vui tươi phấn khởi để du khách đến tham quan Làng Văn hóa được tìm hiểu. Qua đó động viên, cổ vũ tinh thần thông qua bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Bám Làng để lan tỏa văn hóa dân tộc
Được biết, để đồng bào thực sự yên tâm đón Tết khi Tết đến Xuân về, BQL Làng Văn hoá đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tạo điều kiện để bà con chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, không gian làng bản tại Làng Văn hóa. Đồng thời hỗ trợ bà con chuẩn bị cái Tết đoàn viên. Qua đó, giúp cho bà con yên tâm tổ chức các hoạt động. Đặc biệt, trong hoạt động trong Tết và sau Tết.
Nhiều bà con mong muốn được giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình tới du khách trên mọi miền của tổ quốc khi đến tham quan tại Làng Văn hóa những ngày đầu năm mới. Cô Lò Thị Tóm - trưởng nhóm đồng bào Thái đến từ xã Mường San (Mộc Châu, Sơn La) chia sẻ, gắn bó với Làng Văn hóa từ năm 2017, đến nay đã có 6 năm ở lại Làng để đón Tết. Cũng có những lúc buồn vì xa nhà nhưng vì đồng bào và mong muốn bản sắc văn hóa của dân tộc mình được nhiều người biết đến. Ở đây, bà con nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các đồng chí trong BQL Làng Văn hoá. Tất cả bà con khi về đây hoạt động, đón Tết đều được hỗ trợ về mọi mặt.
Cũng đã 4 năm đón Tết tại Làng Văn hóa, chị H’Năm Niê đến từ tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Năm nay, làng chúng tôi ở lại trực Tết có 3 nghệ nhân. Ở lại đón Tết tại Làng, chúng tôi nhận được sự quan tâm động viên từ phía lãnh đạo và cán bộ của Làng Văn hóa để trang trí nhà cửa. Trong không khí chuẩn bị đón Tết, làng Ê Đê cũng đã chuẩn bị, trang trí, cảnh quan, không gian… cùng với các dân tộc khác tạo ra một không khí Tết cổ truyền rộn ràng, đầy phấn khởi”.
Trước đó, trong “Chương trình gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết”, những phần quà ý nghĩa cũng đã được trao tận tay cho cộng đồng đang hoạt động tại Làng. Đây là hoạt động thể hiện một bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu của 54 dân tộc, giới thiệu với du khách nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống đón Tết cổ truyền của Việt Nam, đặc biệt trong thế hệ trẻ và cộng đồng dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
“Chúng tôi và đồng bào luôn đảm bảo duy trì các hoạt động trong những ngày Tết và đầu năm mới, chào đón du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi đã trao những xuất quà cho các đồng bào, là những nghệ nhân đang có mặt tại Làng chuẩn bị cho các hoạt động ngày Tết. Đồng thời tổ chức đoàn đến động viên, chúc Tết đầu năm, thăm hỏi bà con, chia sẻ với bà con” - ông Chung cho biết thêm.