Các bản điện tử của sách giáo khoa xuất hiện trên mạng xã hội mà không được sự cho phép của phía nhà xuất bản không chỉ vi phạm về bản quyền, mà việc chưa kiểm chứng được chất lượng của những đầu sách trôi nổi này cũng gây ra hậu quả khó lường.
SGK điện tử “miễn phí”
Dù đã chính thức bước vào năm học mới và đã đặt mua sách từ trước nhưng vẫn có không ít học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận sách giáo khoa (SGK) bản giấy chính thức.
Việc thiếu SGK và đồ dùng học tập trở thành nỗi lo chung của nhiều phụ huynh và học sinh bởi chưa biết đến khi nào địa phương mới ngưng giãn cách.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Thanh Tuyền (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Hai con nhà tôi đã bước vào năm học mới, nhưng hiện tại các con vẫn chưa được sử dụng SGK. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đi mua SGK lại không thuộc trong 6 nhóm được cấp giấy đi đường. Vì vậy, tôi không thể ra ngoài để mua sách cho con được”.
Đó cũng là tình cảnh của không ít các gia đình khi chưa kịp mua SGK mới hoặc không xin được bộ cũ cho con sử dụng.
Nắm được nhu cầu đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đưa toàn bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 bản mềm lên trang hanhtrangso. Tại đây, học sinh và giáo viên được sử dụng miễn phí phiên bản điện tử của SGK. Bên cạnh đó, nhà xuất bản còn cung cấp cả phiên bản điện tử của sách bài tập, sách giáo viên để tham khảo xây dựng giáo án cũng như có thêm tài liệu để học tập.
Hoặc phụ huynh cũng có thể cài ứng dụng Classbook của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vào điện thoại, máy tính bảng, rồi nạp tiền mua SGK bản điện tử ở trên đó với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với bản giấy.
Bên cạnh đó, trên website của một số trường, Sở GDĐT TP HCM cũng cung cấp SGK bản điện tử từ lớp 1 đến 12 miễn phí, phục vụ nhu cầu dạy và học năm học mới 2021-2022.
Đáng chú ý, trong các hội nhóm của phụ huynh trên mạng xã hội, có không ít bài đăng chia sẻ những đường link hoặc một “chùm” file PDF của SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
Thậm chí, đối với SGK lớp 1, thành viên trong nhóm có thể lựa chọn từ nhiều bộ sách của các Nhà xuất bản khác nhau như bộ Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống...
Với SGK của các lớp lớn hơn, mỗi file sẽ có hình bìa SGK theo từng môn riêng biệt, người dùng chỉ cần nhấp chuột và kéo nội dung chương trình là có thể dễ dàng lựa chọn để học tập và tham khảo.
Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước
Việc đăng tải và cho phép tải về các phiên bản điện tử SGK, sách giáo viên, sách tham khảo này khi chưa được sự cho phép của nhà xuất bản là hành vi vi phạm bản quyền sách và làm ảnh hưởng đến hình ảnh, doanh thu, uy tín của nhà xuất bản.
Bên cạnh đó, khi người dùng nhấp vào những đường link, file PDF SGK phiên bản điện tử “trôi nổi” còn có thể bị gắn các mã độc, virus, tiềm ẩn những nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.
Đáng ngại hơn, những phiên bản điện tử từ các đường link “trôi nổi” này không được phía nhà xuất bản hay cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm soát nội dung nên không đảm bảo tính chính xác, khoa học và cập nhật.
Trong trường hợp giáo viên, học sinh sử dụng phải những bản SGK in thử, phiên bản không được kiểm soát về nội dung dẫn đến những sai lệch về kiến thức, chủ quyền, lãnh thổ,… sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
“Một số học sinh vô tình tiếp nhận kiến thức từ các SGK điện tử chưa được các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát, khiến cho nội dung kiến thức bị lệch chuẩn, dễ gây nhầm lẫn với những bài giảng chính thống ở trên trường. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập của các em”- thầy Nguyễn Công T. (giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, phụ huynh và học sinh cần lưu ý khi sử dụng SGK phiên bản điện tử. Trong các bộ SGK điện tử trôi nổi trên mạng xã hội, người đăng tải có thể đưa vào nhiều loại sách tham khảo của các nhà xuất bản khác nhau, việc này dễ dẫn đến sự lệch chuẩn so với hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GDĐT cần phải quan tâm đến việc này. Khi các phiên bản điện tử đang trôi nổi tràn lan trên mạng, cần có một biện pháp thông suốt từ trên xuống để làm sao SGK điện tử phải đúng chuẩn từ bộ sách chính thống và đã được hội đồng kiểm soát nội dung kỹ lưỡng, cẩn trọng.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho rằng, không thể chỉ cần SGK điện tử mà không cần SGK chính thống. Khi tiếp thu kiến thức, học sinh cần nhiều giác quan, không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt nên cần thay đổi và bổ sung để tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận được nguồn SGK chính thống.
“Quan điểm của tôi là cần phải có sự hướng dẫn từ trên xuống dưới, từ Bộ GDĐT đến các sở, phòng giáo dục địa phương. Tại các cơ sở giáo dục, giáo viên cũng cần hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh phiên bản điện tử nào là chuẩn, SGK nào là bộ sách chuẩn theo khung kiến thức và chương trình, sách nào chỉ là sách tham khảo. Không để các phiên bản SGK điện tử “trôi nổi” trên không gian mạng như hiện nay”-ông Tiến nói.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Điều 32 Luật giáo dục năm 2019 khẳng định: SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh…; SGK thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử.
Như vậy, SGK chính là tài liệu học tập không thể thiếu, phải được coi là phương tiện (mặt hàng) thiết yếu giúp học sinh theo học chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành.