Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta (Mỹ) vẫn được đánh giá là sân bay tấp nập nhất thế giới trong năm vừa qua, dù có số lượng hành khách giảm, và trở thành sân bay giữ vị trí đầu bảng năm thứ hai liên tiếp trong bảng xếp hạng của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI).
Sân bay Atlanta tại thành phố cùng tên của Mỹ. (Nguồn: AP).
Xét trên phạm vi toàn cầu, ACI chỉ ra rằng số lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trong năm 2017 đã tăng đáng kể. Sân bay Atlanta giành được vị trí sân bay đông đúc nhất thế giới nhờ vị trí cửa ngõ đi vào khu vực Bắc Mỹ của nó. Sân bay đặt tại thành phố cùng tên này đã phục vụ lượng hành khách chiếm tới 80% dân số 300 triệu người của nước Mỹ.
Tuy nhiên, vị trí của nó có thể thay đổi vào năm tới. Atlanta là sân bay duy nhất trong số 20 sân bay đông đúc nhất thế giới có lượng hành khách giảm trong năm ngoái, khoảng 0,26%.
Sân bay Quốc tế thủ đô Bắc Kinh tiếp nối ngay sau Atlanta và từng nắm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng trong suốt 2 thập kỷ. Năm nay, sân bay này đứng ở vị trí thứ hai với 94,4 triệu lượt khách (tăng 1,5% so với năm trước đó).
Theo ACI, trọng tâm của ngành hàng không thế giới đang tiếp tục dịch chuyển về phía Đông, với Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo là 2 trong số 3 thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2020. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ đón 3,4 tỷ lượt khách vào năm 2036 - gấp đôi so với cả khu vực Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại.
Tại Trung Quốc, vận tải khách hàng không tăng mạnh trong năm qua, như số lượt hành khách qua Sân bay Thiên Tân tăng 25%, qua Sân bay Nam Kinh tăng 15,5%, qua Sân bay Tây An tăng 13%. Tương tự, tại Ấn Độ, số lượng khách qua Sân bay Kolkata tăng 27%, qua Sân bay Hyderabad tăng 20% và qua Sân bay Bangalore tăng 13%.
Dubai là sân bay đón khách quốc tế nhiều nhất thế giới, tiếp theo là Sân bay Heathrow (Anh) và Sân bay Hong Kong. Về vận tải hàng hóa, Sân bay Hong Kong đứng đầu bảng, tiếp theo là Sân bay Memphis (thứ hai) và Sân bay Thượng Hải (thứ ba).