Săn cá sủ sông Tiền

ĐOÀN XÁ 30/07/2023 07:23

Ngư dân ven sông Tiền ở vùng Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang… bước vào mùa săn cá sủ vào khoảng tháng 6 cho tới tháng 10 hàng năm. Nhưng khi nước nổi về nhiều, ngư dân lại chuyển sang nghề khác bởi cá sủ là loài cá khó đánh bắt. Đặc biệt, dù cá sủ vàng có giá trị rất cao nhưng thực tế, cuộc sống của những ngư dân săn cá sủ vẫn bấp bênh như nhiều nghề sông nước khác.

Anh Thanh bắt được hàng chục con cá sủ bạc mỗi đêm.

Một chuyến câu đêm

Là dòng sông duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Nao là nơi có rất nhiều loại thuỷ sản giá trị, thậm chí mang tính biểu tượng của vùng châu thổ Cửu Long giang. Một trong số đó là cá sủ trắng (nhiều người gọi là cá sủ bạc hay sửu bạc). Mặc dù không phải là những vụ mua bán có giá trị hàng tỉ đồng như báo chí hay mạng xã hội thỉnh thoảng đưa tin, cá sủ trắng cũng có giá trị khá cao với những ngư dân làm nghề sông nước ở khu vực cù lao Tây gồm các xã: Tân Huề, Tân Hòa, Tân Quới… (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp). Anh Nguyễn Văn Hiếu (42 tuổi), ngư dân ngụ ở cù lao Tây, người nhiều năm gắn bó với khu vực ngã ba sông Tiền và sông Vàm Nao chia sẻ, cá sủ bạc bắt đầu xuất hiện nhiều vào tháng 6. Thường thì ngư dân ở khu vực thượng nguồn sông Tiền sẽ câu cá sủ cho tới tháng 10. Sau đó là mùa lũ về, ngư dân có thể khai thác thêm nhiều loài thủy sản khác nên họ không đánh bắt cá sủ nữa bởi việc bắt cá sủ rất khó. “Ở đây người ta chỉ bắt cá sủ bằng cách giăng câu thôi. Có hai kiểu câu. Một là câu chùm, không thì câu cần kéo. Những người làm nghề câu cá sủ để kiếm tiền như tôi thì chỉ có câu chùm thôi, câu kéo thường là mấy người câu chơi”, anh Hiếu kể thêm.

Theo người đàn ông này, anh thường thả câu trên sông Tiền, đoạn từ bến đò Bà Cả tới khu vực Cồn Ngoài, có khi xuôi về bến đò Kiến An là quay lên. “Đây là nơi sông rộng, sóng lớn và nguy hiểm nhất của sông Tiền nhưng tôi quen rồi. Mà cá sủ phải thả lưới ban đêm mới dễ dính, ban ngày cũng có nhưng ít hơn. Thường thì chiều tôi thả, đêm quá về rạng sáng tôi lại đi thu dây. Sau đó đem về phía phà Thuận Giang bán cho mối quen bên đó, rồi họ gửi lên TPHCM hay Cần Thơ, Long Xuyên chứ dân ở đây cũng ít ăn cá sủ lắm, vì chúng khá mắc tiền. Hồi đầu tháng tôi thu được con sủ hơn 6kg, họ trả đúng 1,2 triệu đồng”, anh Hiếu kể.

Chúng tôi mới quan sát thấy thành quả sau một chuyến thả lưới đêm của anh Hiếu là hơn chục con cá sủ, trong đó có 4 con bỏ riêng. Có lẽ đó là những con trên 1 kg. Chúng có màu trắng bạc, thân hình thon dài khá đặc biệt, không lẫn với các loài cá khác. Nhìn kỹ thì lớp vảy có ánh vàng nhạt chạy dọc sống thân. Cũng theo người đàn ông cả đời gắn bó với dòng sông Tiền này, người làm nghề thả câu thường không biết trước mình sẽ bắt được cá gì. “Cá ở dưới sông, mình thả câu nên không biết sẽ có cá sủ hay cá ngát, cá lăng đâu. Nhưng mình có thể biết mùa này cá nào nhiều thì tìm mồi cho thích hợp. Như đợt này cá sủ dưới xuôi ngược về nhiều nên đóng mồi tép tươi (tôm nhỏ) vì đây là loại mồi ưa thích của chúng. Nếu tới đợt cá lăng, cá ngát nhiều thì mình phải đóng mồi là cá tạp”, anh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.

Với khoảng 400 lưỡi câu, anh thường chia chúng thành 4 chùm, mỗi chùm có 100 lưỡi gắn cách đoạn vào sợi dây câu, cách nhau chừng 2m. Ở hai đầu của dây câu này đều có gắn phao, thường là làm bằng can nhựa loại 10 lít. Bên cạnh phao là cột tre dài chừng 1m có gắn viên gạch ở một đầu, đầu còn lại gắn lá cờ màu đỏ để ghe thuyền, ngư dân khác nhìn thấy biết bên dưới có chùm câu mà né ra, không để lưới mắc vào ghe. Chuyện trò với chúng tôi, anh Hiếu bảo dù làm nghề lưới hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ anh gặp cá sủ vàng. “Ngày nào cũng bắt được cả chục con sủ nhưng không có sủ vàng. Quanh đây chỉ có sủ bạc thôi, sủ vàng hiếm lắm. Chúng ở phía hạ lưu cửa biển, lâu lâu mới lạc lên thượng nguồn này thôi”, anh Hiếu cho biết.

Cá sủ có giá trị kinh tế cao.

Chuyện về cá sủ vàng

Cũng làm nghề câu cá sủ ở khu vực bến đò Bà Cả, anh Thanh (31 tuổi), xã Tân Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp từng may mắn giăng được cá sủ vàng. “Nghề giăng câu này cũng như trúng số vậy, không phải làm lâu là trúng cá sủ vàng đâu. Cách đây chừng 5 năm, tôi gỡ được một con cá sủ vàng nặng gần 2 kg. Mà cá sủ vàng mắc tiền không phải do thịt cá ngon đâu, mà bởi bong bóng trong bụng cá bổ dưỡng như nhân sâm vậy. Nhưng bữa đó vừa hên lại vừa xui. Hên vì mình bắt được cá sủ vàng nhưng xui là hôm đó trời mưa, tôi gỡ lưới muộn lắm. Bình thường mờ sáng là tôi chèo ghe đi rồi. Bữa đó mưa lớn nên tới 9 giờ sáng mới đi. Con cá sủ vàng đó dính lưới ngay ở chỗ rạch Mã Trường cuối cù lao. Nhưng lúc gỡ lên thì nó chết rồi, mình đem về bán thương lái họ chỉ trả có hơn 40 triệu đồng. Họ bảo cá chết rồi nên bong bóng nó cũng bị mất giá trị. Với số tiền bán cá tôi mua tôn dựng lại nhà cho ba má”, anh Thanh chia sẻ.

Cũng theo anh Thanh, cá sủ vàng toàn thân nó màu vàng óng ánh, nhìn rất đẹp. Ngoài ra vây nó có màu xanh nhạt, miệng có màu vàng như vảy. Còn cá sủ bạc nhiều con lớn cỡ 5 - 6 kg thì vây cũng có màu vàng nhạt. Nếu là người không quen nghề sông nước dễ nhầm tưởng đó là cá sủ vàng. “Bây giờ thì ngay cả sủ bạc cỡ lớn, chừng10 kg trở lên thì bán cũng hơn chục triệu đồng rồi. Những loại sủ cỡ lớn bong bóng của nó quý lắm. Dù không như sủ vàng nhưng người ta phơi và bán sang Trung Quốc để làm thuốc. Loại đó trước thì nhiều nhưng dạo gần đây cũng hiếm lắm, lâu lâu mới nghe nói có người dính lưới”, anh Thanh kể.

Cá sủ bạc ở thượng nguồn sông Tiền.

Trong câu chuyện về loài cá sủ, người đàn ông này còn cho biết mấy năm trước ở khu vực đò Roi Lửa chạy ngang qua sông Tiền có ngư dân bắt được 2 con cá sủ vàng, mỗi con nặng mười mấy kg bán được hơn 600 triệu đồng. Anh còn bảo cá sủ vàng có thể nặng cả trăm ký nhưng ở vùng này, cặp cá sủ vàng kể trên là lớn nhất mà ngư dân từng bắt được.

Ngồi trên chiếc ghe gỗ dài chừng 5m, chúng tôi theo anh Thanh ra khu vực ven sông Tiền để gỡ cá sủ. Anh bảo có 300 lưỡi thả lúc tối, nếu may mắn có thể kiếm được 5 - 6 kg cá sủ. Vừa thu sợi dây, anh vừa nghe ngóng rồi sắc mặt bỗng vui lên. “Có cá lớn rồi, thấy nó kéo dây câu dữ lắm. Cá sủ chắc luôn đó. Đợt này gắn mồi cá sủ nhưng cá lăng, cá cóc cũng cắn nữa. Mỗi con có kiểu quẫy nước khác nhau, tôi quen tay thấy chúng giật giật là đoán được cá gì liền”, anh nói một cách chắc chắn. Và đúng như lời người đàn ông này, khoảng 2 phút sau, một chú cá sủ màu trắng bị kéo lên khỏi mặt nước, vùng vẫy trong không trung. Anh Thanh nhanh tay hất mạnh đoạn dây, chú cá bị tuột rơi xuống ghe, nằm ngang. Nhìn chú cá, anh bảo nó nặng tầm 1,5kg chứ không ít. Hiện nay thương lái thu mua loại này giá khoảng 100 ngàn đồng/kg. Nói rồi anh ngư Thanh lại cầm một con tép nhỏ gắn vào đầu lưới câu rồi thả xuống nước.

Mỗi ngày một ngư dân săn cá sủ có thể kiếm từ 300 - 500 ngàn đồng nhưng họ cũng phải đầu tư không ít để duy trì công việc. Ngoài tiền dầu chạy ghe còn có tiền tép làm mồi. Nhưng tiêu tốn hơn cả là tiền dây lưới và lưỡi câu. Hiện nay trên sông Tiền, mật độ ghe thuyền rất nhiều, trong đó có cả các tàu chở hàng cỡ lớn. Những tàu này nếu chẳng may mắc phải dây câu thì cả đoạn lưới hàng trăm mét bị cuốn đứt, tốn vài triệu đồng. Dù bấp bênh nhưng anh Hiếu, anh Thanh hay hàng chục ngư dân săn cá sủ vẫn mưu sinh trên dòng sông này, dù có thể chưa bao giờ họ săn được loại cá sủ vàng quý giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Săn cá sủ sông Tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO