Trong bối cảnh xã hội dịch Covid-19 đe dọa bùng phát trở lại, sân khấu tư nhân, sân khấu xã hội hóa vẫn có những điểm sáng.
Trong thời gian qua, các sân khấu tư nhân, sân khấu xã hội hoá đã vượt qua thời kỳ dịch bệnh phải giãn cách xã hội bằng cách lặng lẽ tập vở, thêm kênh tuyên truyền trên internet, để khi dịch tạm thời được khống chế là bung tỏa. Ở phía Nam, những ông bà bầu như Hồng Vân, Nguyên Đạt, Mỹ Uyên, Ái Như… rồi phía Bắc là LucTeam, sân khấu Lệ Ngọc đều có những bứt phá hơn hẳn sân khấu công lập.
Tại sao các đơn vị công lập có sự trợ giúp của Nhà nước về kinh phí không nhỏ, lại được sở hữu rạp hát ở những vị trí đắc địa không hoạt động tích cực được? Thậm chí phải có sự hỗ trợ từ Bộ VHTTDL mới tiếp tục hoạt động cầm chừng sau mỗi đợt dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát? Nhà báo Ngô Bá Lục- quyền Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu cho rằng: Sân khấu công lập, thủ tục hành chính khá phức tạp, còn nhiều vướng mắc về thủ tục thanh quyết toán rồi sự đồng lòng quyết tâm, năng động tâm huyết, vắt hết sức mình cho hoạt động nghệ thuật nên hoạt động có phần còn cầm chừng. Chưa kể, không ít lãnh đạo các đơn vị đều là những nghệ sĩ nổi danh, họ cũng có những hoạt động riêng của cá nhân như tham gia diễn phim, đóng hài, làm game show… đã phần nào khiến họ hài lòng với tình trạng hoạt động của đơn vị. Trong khi đó, các đơn vị tư nhân lại rất quyết đoán, chỉ cần người đứng đầu ra chỉ đạo, bộ máy cứ thế vận hành. Quyết định nhanh chóng, kịp thời, lại là tiền túi cá nhân được quản lý chặt chẽ, diễn viên cũng tự do nên hoạt động rất ăn khớp với thị trường.
Chất lượng nghệ thuật là tiêu chí đầu tiên sân khấu tư nhân hướng tới để thu hút công chúng. Và cũng là yêu cầu về sự đa dạng màu sắc nên các kịch bản được lựa chọn, đề tài cần vươn tới… đều được cân nhắc nhờ vào những “cái đầu” kinh doanh. Dù tiêu chí chính là hướng tới nghệ thuật, nhưng họ cũng cần cân bằng thu chi để tái sản xuất, tiếp tục dựng vở. Vì thế, tuy không chạy theo tính giải trí, tuy nhiên, các vở diễn của những sân khấu tư nhân cũng rất chú trọng tới yếu tố hài hước để giúp khán giả thư giãn với những tiếng cười nhẹ nhàng mà không mất đi yếu tố lịch lãm cần thiết.
Là một sân khấu xã hội hóa, nhưng sân khấu Lệ Ngọc có sức cuốn hút khá lớn với các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ vì đến với đơn vị này, các bạn có cơ hội được cống hiến nhiều hơn, tiến bộ nhiều hơn qua việc liên tục được đứng trên sàn diễn. Tại các đơn vị sân khấu công lập, những diễn viên trẻ mới ra trường rất hiếm hoi cơ hội được nhận vai chính vì cả năm chỉ dựng 1 hoặc 2 vở, lại phải dành vai chính cho các diễn viên kỳ cựu. Dàn diễn viên không có ngôi sao của sân khấu Lệ Ngọc vì thế dần trở thành những gương mặt quen thuộc với khán giả Thủ đô và giờ là khán giả của TP HCM. Chưa kể, có những diễn viên không chuyên nhưng nhờ có vai diễn thường xuyên cũng được một số khán giả nhớ tới.
Đa dạng hóa màu sắc các kịch bản, cách dàn dựng cũng hết sức phong phú là những cố gắng của các đạo diễn sân khấu phía Bắc. Nét dễ thấy của sân khấu Lệ Ngọc là cách diễn khá hiện đại, tiết tấu nhanh, xử lý không gian thời gian cũng rất biến ảo. Các đạo diễn nắm chắc tố chất của diễn viên, huấn luyện để họ sử dụng được tốt nhất những yếu tố như biểu diễn hình thể, thể hiện những động tác không lời... để xây dựng những hình tượng nghệ thuật.
Ngay sau khi dịch Covid-19 tạm khống chế, sân khấu Lệ Ngọc đã sáng đèn suốt 2 tháng gần đây tại Hà Nội. Sau lần lưu diễn tháng 6, được lời mời của một số đơn vị, tập thể sân khấu Lệ Ngọc lại Nam tiến lần thứ hai trong năm nay (từ cuối tháng 11 đến nay). Nếu đợt lưu diễn tháng 6 vừa qua, chủ đề của đơn vị lựa chọn là “Tìm về văn hóa cội nguồn” với 3 vở Cây tre thần, Thị Nở - Chí Phèo, Hoa sen lửa thì đợt lưu diễn thứ hai trong năm, Sân khấu Lệ Ngọc lại lấy chủ đề “Kịch nghệ - Ngọn lửa tình yêu giữa Sài Thành hoa lệ” với các vở diễn Tấm Cám, Quan Âm Diệu Thiện, Thị Nở - Chí Phèo, Tình bạn và Công lý. Các suất diễn đều được bán vé tốt trên trang fanpage và trang Facebook.
NSND Lệ Ngọc cho biết: Với chủ đề này, chuyến lưu diễn kỳ vọng khán giả hiểu hơn về những thông điệp được gửi gắm qua tác phẩm. Những câu chuyện đa dạng từ cổ tích tới huyền tích, rồi đời sống xã hội phong kiến và đấu tranh với tệ nạn xã hội ở thời điểm hiện tại... là hình ảnh sống động của thời đại mới với bao đổi thay, chỉ duy nhất chân lý vẫn thuộc về chính nghĩa, về cái thiện, về cái đẹp...
NSND Lệ Ngọc mong muốn đem đến cho khán giả TP HCM những khoảnh khắc thưởng thức kịch Hà Nội đậm chất kịch Bắc, nhưng không thiếu phần dí dỏm, hài hước với nhiều cung bậc cảm xúc. Chính sự kết nối giữa những người yêu sân khấu gồm có khán giả, diễn viên và vở diễn được đầu tư nghiêm túc từ khâu kịch bản, đến dàn dựng là chìa khóa để bà yên tâm đưa kịch vào Nam và sáng đèn liên tục tại Hà Nội.
Đặc biệt, dưới bàn tay “phù thủy” của đạo diễn NSND Lê Hùng tỏ ra rất hợp với chất lãng tử, hào hoa của sân khấu Lệ Ngọc khi ông cảm thấu “Sứ mệnh của sân khấu Lệ Ngọc là hướng đến những thủ pháp dàn dựng mới, đó cũng là động lực chính để các nghệ sĩ, nhà biên kịch, diễn viên làm việc hết mình trong giai đoạn hình thành sân khấu xã hội hóa”.
Rất cần có sự khích lệ với những cố gắng của các sân khấu xã hội hóa để tiếp tục có thêm những đơn vị mới ra đời và hoạt động tốt. Bởi đây cũng là hướng phát triển cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa hoạt động nghệ thuật là điều tất yếu.