Lo lắng về tình trạng cơ thể sau khi mắc Covid-19, nhiều người dân tìm đến các loại thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe. Đây là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, lợi dụng tâm lý này, hàng loạt sản phẩm được quảng cáo hỗ trợ điều trị hậu Covid-19 kiểu “vàng thau lẫn lộn” ồ ạt xuất hiện trên thị trường.
Giá cả trên trời
Ghi nhận nhanh từ các “tiệm thuốc online”, vô số sản phẩm thanh lọc cơ thể, tăng cường sức khỏe được rao bán, từ loại sản xuất trong nước với giá 50.000 - 200.000 đồng/hộp, đến các loại nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia với giá hàng triệu đồng.
Một ví dụ cụ thể, một tài khoản trên Facebook quảng cáo về sản phẩm nước được cho là hồng sâm của Hàn Quốc với giá 1.800.000 đồng cùng lời quảng cáo: “Sản phẩm có tác dụng tuyệt vời trong việc ổn định huyết áp, điều hòa tim mạch. Tăng cường hệ miễn dịch, tăng cao sức đề kháng, thanh lọc cơ thể, cải thiện trí nhớ, hỗ trợ cải thiện chức năng hô hấp, phục hồi sức khỏe nhanh chóng hậu Covid-19. Bồi bổ cơ thể, máu huyết lưu thông, phục hồi thể lực sau vận động và trí não. Tăng sự minh mẫn, tỉnh táo, giảm căng thẳng hiệu quả. Giúp da dẻ hồng hào, kéo dài tuổi thanh xuân”.
Tuy nhiên, với mẫu mã hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, không khó để đặt ra sự hoài nghi về những tác dụng được quảng cáo cũng như nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nói trên.
Bên cạnh đó, một người bán thực phẩm chức năng online cho biết: “Hot nhất hiện nay là các sản phẩm thanh lọc phổi, tăng cường chức năng phổi. Từ người dân cho đến người bán đều đang săn lùng”.
Ghi nhận của PV về giá cả của mặt hàng này, sản phẩm Siro kháng khuẩn thanh lọc phổi mang tên TheartDetox Lung có giá 250.000 đồng/lọ; viên bổ phổi Xtend Life Lung Support Plus được quảng cáo bảo vệ, hồi phục sức khỏe phổi sau khi mắc Covid-19 có giá 1,4 - 1,6 triệu đồng/hộp; viên bổ phổi Kobayashi được giới thiệu là “tuyệt chiêu làm sạch phổi, thổi bay Covid-19” có giá 700.000 - 800.000 đồng/hộp.
Hay với loại thanh lọc phổi có chữ Tsumura, giá dao động từ hơn 900.000 đồng đến hơn 1,2 triệu đồng; viên uống thanh lọc phổi Healthy Care Original Lung Detox (loại 180 viên, xuất xứ Australia) có giá 600.000 - 700.000 đồng/sản phẩm.
Chất lượng khó kiểm soát
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc, Bệnh viện E cho hay: “Có thể nói, thị trường các loại thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe hậu Covid-19 đang bão hòa với quá nhiều các loại thực phẩm chức năng từ trong nước đến ngoài nước, từ Đông y đến Tây y, từ bổ phế, bổ phổi đến hỗ trợ tim mạch, tiêu hóa. Thực tế, trong số những loại thực phẩm chức năng này, có những loại được Bộ Y tế chấp nhận, đó là các loại thuốc được cho phép, rõ nguồn gốc xuất xứ, thế nhưng cũng có rất nhiều mặt hàng chưa được cấp phép. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn tới sức khỏe người dân. Ví dụ, một loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc từ nước ngoài, tất cả hướng dẫn sử dụng… 100% là tiếng nước ngoài thì người dân sử dụng thế nào, hầu hết là truyền tai nhau cách dùng, hay nghe theo lời hướng dẫn của người bán thuốc trên mạng - những người thậm chí còn không có kiến thức về y khoa”.
Mới đây, Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết vừa nhận được phản ánh từ người tiêu dùng về sản phẩm K6F2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kmuravir® đang được bán trao tay để phòng ngừa, điều trị sau mắc Covid-19.
Đáng chú ý, trên hộp sản phẩm ghi số tự công bố sản phẩm: 018/2021/CB-KMURA và không có các thông tin về tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất; không ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm. Trên vỏ hộp chỉ ghi công dụng là phòng ngừa các vấn đề về hô hấp do vi khuẩn, virus như viêm đường hô hấp cấp; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; giảm ho, giảm đờm, giảm đau rát họng, hỗ trợ lấy lại vị giác.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định, thông tin ghi trên hộp sản phẩm như nêu trên là sai quy định về ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe; nội dung ghi công dụng sản phẩm như thuốc chữa bệnh, vi phạm khoản 15, Điều 6, Luật Dược.
Mặt khác, trên hộp sản phẩm có ghi dòng chữ “NOT FOR SALE” (Không được bán), nhưng lại bán cho người tiêu dùng. Như vậy, việc không đăng ký, việc ghi nhãn, ghi công dụng, bán sản phẩm như đã nêu trên là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, mỗi năm Cục thu giữ hàng trăm loại thực phẩm chức năng bị làm giả. Việc sử dụng những loại sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở… Nếu sử dụng trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến các bệnh lý về thận, gan, mật…
Theo các chuyên gia y tế, thay vì dùng các biện pháp “thanh lọc phổi, bổ phổi” như nhiều người đang lạm dụng thì chế độ dinh dưỡng, tập luyện đúng phương pháp cùng tâm lý thoải mái mới là “chìa khóa vàng” để nâng cao sức khỏe.
Cũng theo các chuyên gia, hiện các loại thực phẩm bán trên không gian “ảo” rất khó kiểm định chất lượng. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thì cơ thể không tốt lên, mà ngược lại, tình trạng bệnh còn nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, không ít trường hợp bị tổn thương phổi diễn tiến nặng, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường, tới khi vào viện thì tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thực phẩm chức năng buôn lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, việc sử dụng thực phẩm chức năng giống như “dao hai lưỡi”, nếu bổ sung dư thừa cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
BS Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc, Bệnh viện E:
Sử dụng thuốc bổ cũng có thể gây hại cho sức khỏe
Khi một người sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng hay thuốc bổ thì cơ thể người đó sẽ gặp phải gánh nặng rất lớn trong việc dung nạp các chất bổ đó vào người. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới các cơ quan trong cơ thể như gan, thận… Đó là đối với các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng được cấp phép, rõ nguồn gốc. Nguy cơ lớn hơn tới sức khỏe người dân là những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, được truyền tai nhau mà không có sự tham vấn từ cơ quan chuyên môn. Nguy cơ thứ 1 ở đây là tác dụng của loại thực phẩm chức năng đó thế nào? Liệu có tác dụng thực sự hay chính việc sử dụng mặt hàng này lại làm người dân chủ quan trước những triệu chứng của hậu Covid-19 mà mình có thể mắc phải, và sẽ dẫn đến tình trạng người bệnh đến bệnh viện khi đã quá muộn. Nguy cơ thứ 2 là đối với các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc này, chúng ta không hiểu rõ về thành phần trong đó, có thể kèm theo những thành phần có độc tố, những thành phần không tốt cho sức khỏe.
Bản thân tôi không phản đối những tác dụng bổ trợ của thực phẩm chức năng. Thế nhưng, người dân nên tỉnh táo, chỉ sử dụng những loại thực phẩm chức năng rõ nguồn gốc, đã được các chuyên gia y tế tham vấn.
BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga:
Dinh dưỡng và luyện tập hợp lý là “chìa khóa vàng” để tăng cường sức khỏe
Trong quá trình tư vấn cho F0 và gặp vấn đề hậu Covid-19, tôi gặp không ít bệnh nhân sử dụng đồng thời rất nhiều loại thuốc bổ gan, bổ phổi, tăng cường miễn dịch, tăng đề kháng, nghe ai nói gì mua nấy. Điều này rất bất hợp lý và hoàn toàn không cần thiết. Hiện chưa đánh giá hết được việc dùng quá mức sẽ có hại đến đâu nhưng việc dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Điều quan trọng sau mắc Covid-19 là cần bổ sung dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện hợp lý để cơ thể được phục hồi nhanh hơn. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.Đ. Trân(ghi)