Kinh tế

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon tăng hơn 300%

XUÂN DUNG 09/06/2024 09:18

Trong thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển rất mạnh. Đặc biệt trong và sau đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm của người dân ở nhiều nơi đã thay đổi nhanh chóng. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm trở lại đây, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam bán trên Amazon tăng hơn 300%.

bai-tr7.jpg
Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm.

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống TMĐT xuyên biên giới” do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức (diễn ra từ ngày 6-8/6), ông Tạ Hoàng Linh - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hiện Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng trên dưới 25%/năm. Và với dự ước thị trường TMĐT toàn cầu sẽ chạm mức doanh thu dự kiến 7,4 ngàn tỷ USD vào năm 2025 thì mức tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ còn cao hơn nữa.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh TMĐT xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Cũng theo ông Linh, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật xu hướng tiêu dùng, nhu cầu, tiềm năng thị trường, kinh nghiệm và hành trình triển khai xuất khẩu trực tuyến để giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào TMĐT xuyên biên giới, đưa các sản phẩm và thương hiệu Việt đến khách hàng trên toàn cầu.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, cần có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng và cơ hội mà TMĐT mang lại. Đồng thời, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới.

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC nhìn nhận, TMĐT xuyên biên giới giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành và hoạt động so với việc mở rộng truyền thống qua các chi nhánh nước ngoài, giúp tối ưu hóa quản lý hàng hóa, quản lý kho và giao hàng, tận dụng các đối tác vận chuyển toàn cầu. Việc sử dụng các công cụ trực tuyến cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, chính sách giao hàng và dịch vụ hậu mãi giúp xây dựng lòng tin từ phía khách hàng.

Thừa nhận xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới đang trở thành hướng đi của nhiều doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế và tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên Giám đốc ITPC cho rằng, để khai thác hiệu quả TMĐT xuyên biên giới và hạn chế nhưng rủi ro, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật thông tin của khách hàng, chính sách giao dịch và quy định về thuế, hải quan, quy định về bản quyền, thương hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Trần Văn Phương Trinh - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam thông tin thêm, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua.

Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Đây là cánh cửa để các doanh nghiệp và thương hiệu Việt vươn ra, chinh phục thị trường thế giới.

Trước đó, tại Diễn đàn Xuất khẩu 2024 diễn ra ngày 6/6, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành của Amazon Global Sell-ing tại Việt Nam cũng cho biết, trong 5 năm qua đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ của TMĐT xuyên biên giới. Mô hình mới này đã cho phép các công ty, doanh nghiệp từ mọi nơi, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu mà không cần phải có mặt trực tiếp hay mở văn phòng ở các thị trường nước ngoài.

Người bán hàng Việt Nam không chỉ xuất khẩu sản phẩm mà còn tích cực đầu tư xây dựng thương hiệu toàn cầu. Số lượng nhà bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon (Amazon Brand Registry) đã tăng gấp 35 lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon tăng hơn 300%