Sức khỏe

Sản phẩm dược trong nước đáp ứng 50% nhu cầu người dân

Đức Trân 13/05/2025 12:27

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 11%/năm. Dự báo, vào năm 2026, con số này có thể đạt hơn 10 tỷ USD.

bai chinh
Nghiên cứu vaccine trong nước. Ảnh: Quang Vinh.

Tiềm năng của ngành dược trong nước

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, ngành dược đã đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Hiện, cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc, 238 nhà máy sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn WHO - GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP và tương đương. Với việc hơn 20.000 loại thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, ngành dược Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ thống phân phối thuốc toàn diện và hiện đại.

Các sản phẩm y dược trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân với khoảng 50% nhu cầu dược phẩm, đồng thời từng bước khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất dược phẩm ngày càng mở rộng... Đồng thời, vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 14 loại vaccine phòng 10 bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: Ngành công nghiệp dược nước ta đang có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao (7,3%) và trong bối cảnh GDP của Việt Nam đang đứng thứ hạng cao trong khối Đông Nam Á. Thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD, bình quân tiêu thụ thuốc đạt 70 USD/người, tăng gấp 10 lần so với năm 2000.

Mặc dù vậy, PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn: Cơ sở vật chất – kỹ thuật – công nghệ còn thấp; chưa có các khu công nghiệp dược – sinh học tập trung; các công ty dược phẩm trong nước có quy mô còn nhỏ, doanh số và nguồn vốn đầu tư còn thấp, chưa có các tập đoàn dược phẩm quy mô quốc gia; sự thay đổi cấu trúc dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học/sinh học tương tự; năng lực tiếp nhận và chuyển giao công nghệ còn hạn chế; thách thức của quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng thuốc vẫn còn khá nan giải. Mặc dù có hơn 43.000 mẫu thuốc được kiểm nghiệm hàng năm, nhưng tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng vẫn còn tồn tại, trong đó, thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc vẫn là một mối đe dọa lớn. Điển hình như đường dây thuốc giả tại Thanh Hóa gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.

Siết quản lý thuốc giả

Đứng trước những thách thức kể trên, PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự… Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển trung và dài hạn để phù hợp với đường lối của nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam.

Trong khi đó, đưa ra những biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, TS Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg năm 2018 và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Ngay sau khi xảy ra vụ việc thuốc giả tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 45 về việc xử lý triệt để các hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa giả. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế và Bộ Công an đã tiếp tục ký Quy chế phối hợp công tác số 03/2024 để bảo đảm an ninh, trật tự và lĩnh vực y tế trong đó có mục tiêu tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả.

Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm dược trong nước đáp ứng 50% nhu cầu người dân