Khi con nước đổi màu và dâng cao tràn vào đồng ruộng là lúc người nông dân ở một số huyện trong tỉnh Bạc Liêu như Hồng Dân, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long tranh thủ khai thác sản vật, có thêm thu nhập đáng kể.
Dù không có mùa nước nổi như những tỉnh nằm ở đầu nguồn của 2 con sông Tiền, sông Hậu nhưng Bạc Liêu lại có mùa nước tràn đồng. Khi nước về đồng ruộng ngập trắng xóa cũng là thời điểm các loại sản vật theo con nước “rủ nhau” vào. Bà con tranh thủ ra đồng đánh bắt thủy sản bằng nhiều cách như giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt dớn.
Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi đã về đây cùng trải nghiệm cuộc sống mưu sinh của bà con nông dân trong mùa nước tràn đồng. Trên những cánh đồng còn mênh mông nước, anh Phan Văn Lập, ấp Ninh Thành, xã Ninh Quới A cho biết, trong số những cách săn cá đồng, đẩy côn là cách đánh bắt công phu nhất nhưng rất hiệu quả.
Côn là ngư cụ làm bằng những cọng sắt nhỏ có độ dài 1,5m, được máng vào một sợi dây nylon bện dính với nhau trên 2 cây tre dài từ 12 - 15m. Người ta dùng cây sào tạo lực đẩy cho xuồng di chuyển hoặc lội đẩy xuồng để những que côn lướt đi nhẹ nhàng mà không gây ra tiếng động mạnh. Khi cá chạm vào que côn, chúng sẽ “giật mình” chúi xuống trốn dưới lớp đất ruộng tạo ra những bọt khí như cơm sôi. Lúc này, người đẩy côn dùng cái nơm ụp ngay bọt khí là có thể bắt được cá.
Anh Lập chia sẻ: “So với đặt dớn, giăng câu, kéo lưới đẩy côn có nhiều cá lóc hơn. Cá lóc đồng hiện giá bán giá cao nên mỗi ngày anh kiếm được từ 400 đến 600 nghìn đồng”.
Năm nay nước lên cao và kéo dài hơn mọi năm, phần là do nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, phần là do triều cường cộng với ảnh hưởng đợt mưa bão kéo dài, nên đồng ruộng nước ngập sâu. Mọi năm giờ này là đã chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng cho sản xuất vụ Đông Xuân, nhưng giờ trên đồng nước vẫn còn mênh mông.
Và trên cánh đồng ấy, người dân miệt mài săn sản vật. Người đẩy côn, kéo lưới, người đặt bát quái. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tiếng đồng hồ đặt dớn trên đồng, anh Phạm Văn Út, ấp Ninh Thành, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân đã thu về hơn 3kg cá lóc, chưa kể cá rô, cá sặc, cua tép.
“Tính ra mỗi buổi trúng mẻ cá cũng kiếm được 300 đến 500 ngàn đồng. Thế nhưng giờ nguồn sản vật trong tự nhiên ngày càng khan hiếm” - anh Út nói.
Những ngày này, ai có dịp đi trên quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, đoạn thuộc xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, hay xã Vĩnh Phú Đông của huyện Phước Long và một số đường giao thông nông thôn ở vùng ngọt trong tỉnh, dù là ban ngày hay tối khuya cũng sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đi khai thác sản vật như cắm câu, đẩy côn, giăng lưới, đặt trúm.
Tuy nhiên, có một thực tế là mùa nước tràn đồng năm nay, những loại thủy sản có giá trị kinh tế ngày càng khan hiếm hơn vì thế việc khai thác các sản vật khá vất vả. Thế nhưng, nhiều bà con nông dân vẫn tranh thủ sớm hôm, khai thác các loài thủy sản trên đồng để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.