Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thu Hương 27/06/2023 06:53

Chiều nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29/6, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Võ Minh Đức (Bình Dương) nguồn: Bộ GDĐT.

Tiếp sức thí sinh khó khăn

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2022-2023, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, tổng số điểm thi trên toàn quốc là 2.273 với 44.661 phòng thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả để xét tuyển đại học chiếm 89,52%; chỉ để xét tốt nghiệp 7,14%; chỉ để xét tuyển sinh 3,34%.

Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cho thấy: Các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 thông qua việc ban hành Chỉ thị về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT TP Hà Nội thông tin, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất với hơn 102.000 em, chiếm hơn 1/10 số lượng thí sinh cả nước. Thành phố dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi. Đồng thời, điều động hơn 14.900 cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi và 532 thanh tra. “Thành phố tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh” - ông Cương khẳng định.

TPHCM là địa phương có số thí sinh đông thứ hai cả nước với hơn 97.400 em. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề, bài thi được đặc biệt chú trọng. Trong đó, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm thi, ban in sao đề thi, ban làm phách, ban chấm thi, ban phúc khảo nhằm phòng chống gian lận. Lực lượng công an hỗ trợ ngành giáo dục kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm như lộ đề thi, mất bài thi, tiêu cực, gian lận thi cử, sử dụng kỹ thuật công nghệ cao.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng thông tin, trước kỳ thi Sở đã tổ chức Hội nghị tập huấn quán triệt tới cán bộ, quản lý trong toàn ngành giáo dục tầm quan trọng của kỳ thi, đồng thời yêu cầu toàn ngành giáo dục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. “Quan điểm, mục tiêu tổ chức các kỳ thi phải nghiêm và sạch. Tất cả các hành vi nào, cách làm nào chống đối lại quy chế thi thì lãnh đạo ngành sẽ kiên quyết đấu tranh và xử lý”, ông Kiệm nhấn mạnh và cho biết đã có phương án đảm bảo thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước 24/24 cho các khu vực làm thi (địa điểm in sao đề thi; 43 điểm thi chính thức) trong các ngày diễn ra kỳ thi.

Cùng với việc triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ GDĐT, các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để tổ chức kỳ thi tốt nhất. Mỗi địa phương đều chủ động xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Với các thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ tr, bảo đảm không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Tuân thủ “3 không”, “4 đúng”

Thứ trưởng GDĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều thuận lợi, như các quy định của kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm trước, dịch bệnh đã được kiểm soát; học sinh lớp 12 được học trực tiếp trong cả năm học, các địa phương cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi.

Ông Thưởng đề nghị các địa phương thực hiện yêu cầu “3 không”: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không gây căng thẳng, áp lực quá mức. Đồng thời, các địa phương cũng cần lưu ý thực hiện “4 đúng”: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình, không bỏ sót khâu nào; đúng vị trí, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường.

Bộ đã tổ chức hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với sự tham gia của đại diện Sở GDĐT và PA03 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Đối với công tác ra đề thi, năm nay, Bộ GDĐT ban hành hướng dẫn quy trình ra đề bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi để soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các sở GDĐT năm 2022. Bộ đã tập huấn và hướng dẫn các sở chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm. Đồng thời, các lỗi mắc phải trong công tác chấm thi tại các kỳ thi trước đều được tổng hợp và lên phương án khắc phục, tránh lặp lại.

Không để cá nhân ảnh hưởng tới kỳ thi

Theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), số thí sinh năm nay tăng khoảng 23.000 thí sinh so với năm 2022. Ban chỉ đạo cấp quốc gia đã phân công 4 đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi. Cùng với đó là thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 địa phương.

Về công tác thanh, kiểm tra, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và chấm thi tại 63 sở GDĐT.

Mặc dù kỳ thi năm nào cũng tổ chức song Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng vẫn lưu ý, các địa phương cần quan tâm chuẩn bị tốt nhất, đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết bị phục vụ in sao đề thi, cơ sở vật chất nơi bảo quản đề thi, bài thi, chất lượng thiết bị phòng cháy, chữa cháy… Đặc biệt, chuẩn bị tốt nhân lực tham gia kỳ thi thi là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu bởi đây là nhân tố quan trọng nhất. Bất cứ sai sót nhỏ nào của một cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi không chỉ một tỉnh mà của toàn quốc” - Thứ trưởng chia sẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28 và 29/6. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Đề thi do Bộ GDĐT xây dựng, phạm vi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn ở một số môn thi. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng, gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT