Kinh tế

Sẵn sàng đón doanh nghiệp công nghệ cao

T.Hằng 22/12/2023 08:18

Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới. Nắm bắt được thế mạnh, nhà quản lý cũng đưa ra nhiều động thái để chuẩn bị, sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

anhbaitren.jpeg
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Như Ý.

Tiềm năng lớn

Đầu tháng 12, Tỷ phú Jensen Huang - Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) tới Việt Nam để thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI.

Ông Jensen Huang nhấn mạnh: “AI là làn sóng có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Đây đang là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của NVIDIA. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam”.

Đánh giá về tiềm năng của ngành bán dẫn tại Việt Nam, ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) khẳng định sự quan tâm của Hiệp hội đối với Việt Nam và cho biết các doanh nghiệp (DN) thành viên của SIA đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon. Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu; khẳng định Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới, sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

“Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động. Việt Nam cũng đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Nhờ đó, chúng tôi nhận thấy những cơ hội tuyệt vời tại Việt Nam, đặc biệt là khi sự hợp tác giữa hai Chính phủ được tăng cường, trong đó có chiến lược hợp tác ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới” - ông John Neuffer nhấn mạnh.

Cũng theo ông John Neuffer, bên cạnh các chính sách để thu hút nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của các DN lớn thì các DN nhỏ và vừa cũng là đối tượng quan trọng đối với Việt Nam và cần được hỗ trợ để tham gia chuỗi cung ứng một cách toàn diện; phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và thế giới.

Ngành quan trọng tạo đột phá để tăng trưởng

Là một DN ngành công nghiệp bán dẫn đang đầu tư vào Việt Nam, đại diện của Qualcomm cũng cho hay, DN này đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng hợp tác tại Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo của Qualcomm. Đồng thời nhận thấy việc triển khai kết cấu hạ tầng là rất quan trọng trong việc phát triển ngành.

Khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong thu hút FDI, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho hay, hiện tại, có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến (đầu tư) các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng.

Các nhà máy bán dẫn liên tục được thành lập. Vừa qua, nhà máy bán dẫn lớn thứ 2 miền Bắc của Tập đoàn Amkor tại Khu Công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) đã đi vào hoạt động. Hana Micron - “ông lớn” ngành bán dẫn Hàn Quốc khánh thành nhà máy đóng gói và kiểm định chất bán dẫn tại Bắc Giang. Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Cty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) có tổng mức đầu tư 440 triệu USD dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2025. Nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn mong muốn rót vốn vào Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. “NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài cho biết, để hiện thực hóa các hợp tác trong lĩnh vực chip bán dẫn, NIC đang xây dựng hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. NIC cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo dự kiến sớm đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng đón doanh nghiệp công nghệ cao