Kinh tế

Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng

H.H, Hồ Hương 07/05/2024 19:45

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động sản xuất thương mại tháng 4.

kho-thep-cuon-can-nong-hrc-hoa-phat.jpg
Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng

Theo đó, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 11,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%.

Một số địa phương có IIP tháng 4/2024 tăng cao so với tháng trước như: Sơn La tăng 36,4%; Vĩnh Phúc tăng 17,6%; Thái Bình tăng 16,8%; Hà Giang tăng 14,2%; Kiên Giang tăng 12,5%; Bắc Kạn tăng 11,2%; Hòa Bình tăng 9,8%; Yên Bái tăng 9,6%; Sóc Trăng tăng 9,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,7%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương trong 4 tháng đầu năm, có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 9 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Phú Thọ tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình phước tăng 15,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Khánh Hòa tăng 593,5%; Trà Vinh tăng 144,7%; Thanh Hóa tăng 30%).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (như Hà Tĩnh giảm 9,0%; Cà Mau giảm 5,6%, Gia Lai tăng 0,5%); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm so với cùng kỳ năm trước (như Hòa Bình giảm 51,7%; Sơn La giảm 46,2%; Quảng Ninh giảm 23,7%; Lai Châu giảm 16,6%); ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (Hà Giang giảm 62%; Lâm Đồng tăng 1,8%).

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong bốn tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 35,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 25,1%; phân u rê tăng 23,9%; thép cán tăng 20,2%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,7%; sữa bột tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 11,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng giảm 20,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,8%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 4,5%; điện thoại di động giảm 2,8%; ô tô giảm 6,6%; xe máy giảm 4,5%; bia các loại giảm 5,3%; than sạch giảm 1,2%; thức ăn cho thủy sản giảm 0,8%.

Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Công Thương số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2024 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm trước (ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% và tăng 3,6%) cho thấy những tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO