Sản xuất hữu cơ không chỉ là hướng đi góp phần nâng cao chất lượng cho sản phẩm ngành nông nghiệp mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay còn nhiều ngổn ngang, từ vấn đề sắp xếp tổ chức sản xuất cho tới khâu phân phối ra thị trường...
Chậm chuyển đổi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong 10 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố có những bước phát triển nhất định. Trung bình mỗi năm các mô hình cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm. Đáng chú ý, một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau, gạo, bưởi… của nhiều đơn vị, DN đã có chỗ đứng trên thị trường, tiêu biểu như: Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng), trang trại Hoa Viên (Thạch Thất), HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), nông trại hữu cơ Tuệ Viên (Long Biên), HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ)… Doanh thu của những HTX, trang trại này tương đối lớn vì đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo và được giá.
Đánh giá hiệu quả của sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và đầu tư Việt Liên Nguyễn Thanh Phương cho biết, lợi ích của nông nghiệp hữu cơ không chỉ đơn thuần sản xuất sản phẩm để bán mà còn nâng tầm vai trò của người nông dân, góp phần quan trọng vào cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Hiện nông trại đầu tư sản xuất, phát triển thị trường nhiều loại sản phẩm hữu cơ như: Rau, củ, quả tươi; sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, thực phẩm, đồ uống tự nhiên, an toàn có nguồn gốc thảo mộc... Các sản phẩm này đều được người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng và đang là mặt hàng bán chạy, uy tín tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Mặc dù hiệu quả của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là rất lớn nhưng trên thực tế quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Tại Hà Nội theo thống kê, đến nay, diện tích trồng trọt hữu cơ của thành phố mới đạt hơn 2.000 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 10,1ha. Trong chăn nuôi, Hà Nội chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa, mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn khoảng hơn 14.000 con (lợn, gà, bò…).
Không riêng gì Hà Nội, đây cũng là tình trạng chung của cả nước hiện nay. Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, hiện có 46/63 tỉnh, thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, 17.168 nông dân tham gia sản xuất hữu cơ, 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 180 thị trường quốc tế với kim ngạch 335 triệu USD/năm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam không nằm ngoại lệ, nhất là với một đất nước nông nghiệp, hướng đi này chính là giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Dù vậy, ông Hoan thừa nhận, để phát triển mạnh mô hình này không phải là câu chuyện đơn giản bởi suốt một quá trình dài chúng ta chạy theo sản lượng, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ khiến đất đai chai lì, thiếu dinh dưỡng, hệ sinh thái của đất bị biến dạng… Cùng với đó, tâm lý người dùng và người sản xuất vẫn còn khoảng cách khá lớn chính vì vậy, việc chuyển sang hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều rào cản.
Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước
Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận hữu cơ để có được sản phẩm chất lượng cao, không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa giải được bài toán cung cầu. Để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, cần sự hỗ trợ của Nhà nước với mức tốt hơn để kích thích nhiều người tham gia hơn, đồng thời, truyền thông về lĩnh vực này phải đủ mạnh để tạo niềm tin giữa người sản xuất và tiêu dùng.
“Các mô hình nông nghiệp hữu cơ khó nhân rộng bởi nhiều lý do, trong đó có sự thiếu kiên trì của bà con nông dân và nút thắt là phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức” - Trưởng phòng Trồng trọt – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Mai Minh Hương nhấn mạnh.
Để thị trường nông nghiệp hữu cơ đi đúng hướng cũng như tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thống nhất rõ ràng về quan điểm thế nào là nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm giá trị gia tăng. Nông nghiệp hữu cơ khác hoàn toàn với nông nghiệp an toàn. Trong sản xuất nông nghiệp an toàn, người ta còn có thể đề cập đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn nông nghiệp hữu cơ thì hoàn toàn không được phép. Kể cả hóa chất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chỉ dùng mang tính điều chỉnh môi trường ở mức độ nhất định, không làm ảnh hưởng đến sản phẩm.
“Trăn trở lớn nhất hiện nay là sản xuất hữu cơ trong nước chưa phát triển mạnh, mặc dù đã có nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, và bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam”- ông Trần Thế Hiệp – Phó Tổng giám Công ty TNHH Công nghệ Nho cho biết.