Nhiều ý kiến cho rằng từ sự phổ biến của các ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử và lượng người dùng các ứng dụng thanh toán số tại Việt Nam ngày càng tăng, nên cũng đã thu hút sự chú ý của các nhóm tội phạm mạng tìm kẻ hở tấn công.
Đáng chú ý, trước tình trạng lừa đảo thông qua các tin nhắn giả mạo, thì các các ngân hàng cũng đã gửi tin nhắn đồng loạt cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, rằng các tin nhắn thông báo tài khoản không an toàn và yêu cầu đăng nhập để đổi password, nhằm không bị rơi vào bẫy lừa đảo.
Thực tế cho thấy, gần Tết thì cũng là “mùa” thanh toán chi trả, hoạt động giao dịch ngân hàng của khách hàng thường tăng mạnh. Nên đám lừa đảo cũng lập tức “ăn theo”. Theo bà Võ Dương Tú Diễm - người quản lý vùng thị trường Việt Nam của hãng bảo mật Kaspersky, thì đối tượng thường tạo ra một trang web ngân hàng có giao diện giống với trang web ngân hàng hợp pháp, để đánh lừa người dùng.
Bà Diễm cho rằng, “nếu bạn nhận được một tin nhắn có vẻ như là từ ngân hàng hoặc đối tác kinh doanh, và yêu cầu bạn nhấp vào link hoặc thông tin nào đó trong tin nhắn, bạn có thể xác định đây là lừa đảo. Gọi trực tiếp cho ngân hàng hoặc đối tác của bạn nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào”.
Tội phạm mạng ngày càng táo tợn và càng tinh vi hơn trong các chiêu thức lừa đảo, vì thế, theo bà Diễm tốt nhất là không truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu không biết rõ về nó. “Không lưu thông tin thẻ tín dụng hoặc ngân hàng trên điện thoại để tránh trường hợp tội phạm mạng cài đặt malware trên điện thoại và lấy toàn bộ thông tin. Không phản hồi là cách đơn giản nhất để không bị lừa và bảo mật thiết bị bằng cách cài đặt phần mềm diệt virus” - theo bà Diễm.
Mới đây, các chuyên gia của công ty an ninh mạng CyRadar (FPT) đã phát hiện 2 “ổ” tấn công lừa đảo trực tuyến nhắm vào 27 ngân hàng và các ví điện tử tại Việt Nam. Lợi dụng sự kiện Tết, nhu cầu giao dịch, thanh toán trực tuyến, tặng quà hoặc lì xì online gia tăng, các nhóm tội phạm mạng gia tăng hoạt động. Chỉ tính riêng từ tháng 1 tới nay đã có 180 tên miền mạo danh được trỏ vào 2 cụm máy chủ này. Nếu người dùng truy cập và nhập các thông tin tài khoản ngân hàng, ví điện tử trên các trang web này thì sẽ mất ngay mật khẩu, tài khoản ngân hàng hay bi lừa lấy mã OTP…
Được biết, hiện nay có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên Mobile Banking tại Việt Nam là 200%, giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300.000 tỉ đồng/ngày.
Vậy thì để không bị lừa, xin được nhắc lại khuyến cáo “không truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu không biết rõ về nó”. Còn nếu “tò mò” mà phản hồi các tin nhắn mạo danh thì hậu quả là không thể lường trước.