Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hợp nhất để giảm hàng chục sở trên cả nước.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành mới giúp việc sáp nhập không những giảm sự chồng chéo mà còn giúp bộ máy gọn mà tinh.
PV:Dự thảo nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đang nhận được nhiều ý kiến. Vấn đề nhiều người quan tâm là việc hợp nhất, sáp nhập các sở. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Bộ Nội vụ đang tiến hành lấy ý kiến về việc sáp nhập các sở ngành. Bản dự thảo lần này đã có bước tiến mạnh dạn nhưng chưa thực sự mạnh dạn lắm. Trước hết, sắp xếp kết cấu tổ chức vẫn chưa căn cứ vào việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành. Nghị quyết 18 TƯ 6 đã nói rõ vấn đề này. Lẽ ra Bộ Nội vụ phải có đề xuất rà soát lại chức năng nhiệm vụ của của tất cả các cấp theo hướng: Nhà nước phải là Nhà nước kiến tạo, phát triển. Như vậy Nhà nước phải nhỏ, còn xã hội thì lớn. Những gì xã hội, khu vực tư nhân làm được thì Nhà nước không cần ôm đồm, chỉ cần tập trung cái mà xã hội không làm được mà thôi.
Theo đó, Nhà nước, các bộ ngành, rồi dưới địa phương là các sở chỉ chuyên tâm làm thể chế, hoạch định chính sách, còn những việc khác phải buông dần cho khu vực tư nhân làm. Còn nếu vẫn như chức năng, nhiệm vụ hiện nay của các Bộ, ngành dù có tinh giản thủ tục hành chính cũng là một bước tiến, nhưng chức năng nhiệm vụ, công việc vẫn còn như vậy đương nhiên bộ máy vẫn cồng kềnh.
Ý ông là nếu sáp nhập một cách cơ học thì dẫu đầu mối giảm nhưng bên trong vẫn cứ giữ nguyên, thậm chí phình to?
- Đúng vậy, sáp nhập vào thì giảm đầu mối nhưng chưa chắc trong nội bộ đã giảm, thậm chí có thể phình to vì yêu cầu công việc như thế. Mà Dự thảo chưa đề cập nhiều việc rà soát chức năng nhiệm vụ, như vậy, mọi việc vẫn như cũ, nếu chỉ giảm một số lượng cấp trưởng, phó sau khi sáp nhập thì cũng không nhiều. Phải rà soát chức năng nhiệm vụ, thu hẹp phương diện hoạt động của cơ quan nhà nước đến đâu và thực hiện chức năng đó có bao nhiêu nhiệm vụ. Nhà nước quản lý bằng công cụ pháp luật và kiểm soát bằng pháp luật, tức ban hành quy tắc xử sự và kiểm soát việc thực hiện quy tắc đó.
Người dân đến làm thủ tục tại trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Nguồn: Thanhnien.
Có ý kiến cho rằng nên quy định cứng việc hợp nhất các sở vì việc giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết có thể dẫn đến sự chần chừ hoặc chọn phương án ít động chạm?
- Về nguyên tắc tôi đồng tình với Bộ Nội vụ, hướng đưa ra là đúng vì 63 tỉnh thành không đồng dạng về lợi thế địa lý, tiềm năng phát triển, phân bố dân cư... thì có thể có sự khác nhau. Nhưng cần xác định nguyên tắc để địa phương lựa chọn và nếu không có điều kiện kèm theo thì dễ tuỳ tiện, lạm dụng trong hợp nhất, sáp nhập bộ máy.
Do đó, cần có phương án quyết liệt hơn, nếu thấy điều kiện đã ổn thì phải chốt cứng phương án sáp nhập. Dự thảo có 3 nhóm, trước 7 sở cứng giờ còn 4 thôi, 10 sở còn lại có thể tùy theo điều kiện để sáp nhập. Theo tôi có thể có điều kiện mềm nhưng không thể tùy theo điều kiện nữa mà cơ bản thấy đủ chín là xác định gộp lại luôn. Nếu vẫn phương án này, phương án kia thì địa phương họ sẽ chọn mức cao nhất, số lượng sở giảm sẽ không nhiều.
Có ý kiến đề xuất nhập bộ trước khi nhập các sở, ông thấy sao?
- Tôi cho rằng nếu đủ điều kiện cũng nên nhập các bộ lại. Nếu nhập sở mà không nhập bộ có khi xảy ra tình trạng sở phải chịu sự quản lý của mấy bộ thì không ổn. Như Bộ Khoa học công nghệ có thể sáp nhập với Bộ Giáo dục Đào tạo, rồi Văn hóa, thể thao, du lịch phải thống nhất luôn chứ tách riêng sở Du lịch như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là không ổn. Ta phải xác định đây là quản lý nhà nước chứ không phải tác nghiệp. Nên du lịch phát triển hay không quản lý nhà nước không cần bộ máy cồng kềnh. Cái chính phải tập trung đầu tư các khu du lịch thế nào, các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch, người dân đừng chặt chém, vứt rác ra đường chứ quản lý nhà nước là cơ quan hoạch định chính sách, đưa ra các hành lang pháp lý, kiểm tra, giám sát nó thôi. Chứ không phải cứ tách riêng ra là số lượt khách du lịch tăng lên đâu, phải có nhiều giải pháp khác, chủ yếu nhà nước đưa ra chính sách, thể chế cho tốt.
Thường thì người ta chỉ thích tách chứ chẳng ai muốn nhập, và mỗi lần nhập họ thường đưa ra lý do khối lượng công việc quá lớn, quá khó… ông nghĩ sao?
- Nếu nhìn vào các bộ ở nước ngoài thì dù nước họ rất lớn mà ít bộ hơn nước ta nhiều. Chẳng hạn như Pháp có 8 bộ, Nga, Mỹ, Hàn Quốc 15 bộ, Trung Quốc rộng lớn thế chỉ có 21 bộ, Việt Nam 22 bộ cộng 8 cơ quan thuộc Chính phủ là 30, thế là quá nhiều. Mình phải gom gọn lại.
Từ trước tới giờ người ta thích tách hơn nhập, vì tách thì thêm bộ máy, thêm biên chế, quy mô hoành tráng, nhập vào thì khó bởi liên quan đến con người, chế độ chính sách, tâm tư nguyện vọng, quy mô bé đi… Nhưng đây là cuộc cách mạng như công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nếu là nhiệm vụ bắt buộc mà nền hành chính cũng bắt buộc phải tinh gọn thì khó mấy cũng phải làm.
Vậy bài toán dôi dư cán bộ sẽ giải thế nào trong công cuộc sáp nhập này thưa ông?
- Trước mắt chưa tính lực lượng bên trong, Bộ Nội vụ mới đề xuất giảm đầu mối. Còn về tinh giản biên chế, theo Nghị quyết 39 sẽ giảm cán bộ công chức từ nay đến 2021 là 10%, như vậy mỗi năm phải giảm 2%. Sáp nhập bước đầu đương nhiên phải nhập cơ giới, nhưng chỉ tiếp tục nhiệm vụ giảm 2% mỗi năm cũng không dễ. Trước mắt, sáp nhập sẽ giúp gọn nhẹ. Và lợi ích nhất của sáp nhập là khắc phục được sự chồng chéo, chồng lần giữa chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành với nhau. Cùng một con đường mà có tới mấy ngành quản thì có khi có việc chẳng ai làm cả.
Trân trọng cảm ơn ông!