Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương hiện có 22 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với gần 5.000 đảng viên. Việc sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện trọn vẹn sứ mệnh tập hợp, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tăng cường một bước rất cơ bản trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo kết thúc hoạt động của 13 đảng đoàn và thành lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị.
Quyết định số 245-QĐ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về việc lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, trong đó tổ chức đảng của các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đã trực thuộc Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Do vậy sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là yêu cầu khách quan, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng.
Để bảo đảm thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, Bộ Chính trị, đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện tốt các nội dung, trong đó có việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam để đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là những quyết sách phù hợp để sắp xếp gọn lại tổ chức bộ máy của Mặt trận với các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương. Về mặt hành chính, cơ quan chuyên trách các cấp của các tổ chức này có thể xem xét cho tinh gọn lại vì hiện quá cồng kềnh. Việc sắp xếp này cũng là đồng bộ, thích ứng với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay khi đã thành lập Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.
Thực tế cho thấy, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam như tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội…
Trong quá trình khảo sát của Báo Đại Đoàn Kết đối với 200 người dân tại gần 30 tỉnh, thành phố, chúng tôi thấy rằng, việc tham gia là hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội là việc tự nguyện của mỗi cá nhân. Có rất nhiều người cùng một lúc tham gia từ 2 - 3 tổ chức, thậm chí có những người là hội viên, đoàn viên của 4 tổ chức. Bà Lê Thị Nhiệm - ở thôn Cự Thần, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) là hội viên của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh - đều là những tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Theo bà Nhiệm, việc một cá nhân tham gia cùng một lúc nhiều tổ chức chính trị - xã hội sẽ giúp việc tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh và đa dạng hơn. Việc tham gia nhiều tổ chức chính trị - xã hội không chỉ giúp mở rộng mối quan hệ xã hội mà mỗi cá nhân còn được đóng góp ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Tuy nhiên, cũng theo bà Nhiệm, có những công việc các hội viên đều được quán triệt một nội dung như nhau, điều đó dẫn đến tình trạng một người phải tham gia nhiều cuộc họp. “Bản thân tôi tham gia đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Hội Phụ nữ nhưng tôi cũng là hội viên Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và đều được đưa vào số liệu báo cáo. Điều đó dẫn đến tình trạng làm hình thức, không mang lại hiệu quả lâu dài” - bà Nhiệm chia sẻ.
Chính vì vậy, khi biết Đảng ta có chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức MTTQ Việt Nam, đưa các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Lê Thị Nhiệm thể hiện sự đồng tình, ủng hộ và mong mỏi, khi sắp xếp lại, Mặt trận sẽ là đầu mối điều phối hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng. Việc này không chỉ giảm bớt các đầu mối và tính hình thức trong hoạt động của từng tổ chức mà còn góp phần tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể.
“Đây là chủ trương lớn của Đảng và tôi đặt hoàn toàn niềm tin vào quyết tâm chính trị này. Khi hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh thì việc sáp nhập chắc chắn sẽ mang lại quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những hội viên như tôi” - bà Nhiệm khẳng định.
Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 và Kết luận số 127/KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 đã nêu rõ: “Giao Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội và đảng ủy các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay) và đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan”.
“Trực thuộc” là đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy
Sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là chủ trương của Đảng. Để thực hiện chủ trương của Đảng, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) đã được Quốc hội thông qua và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có những quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp cũng tiến hành sửa Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời tiến hành xây dựng đề án tổ chức hoạt động của Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của MTTQ Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật và theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Điều 9 của Hiến pháp lần này đã sửa đổi quy định đối với tổ chức bộ máy của MTTQ và các tổ chức thành viên. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn.
Cụ thể, như trong khoản 2, Điều 9 quy định: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.
“Quy định này là hoàn toàn cần thiết bởi chúng ta biết rằng Đảng ta đang tiến hành cuộc cách mạng cải cách tổ chức bộ máy. Việc các tổ chức đoàn thể thu về Mặt trận chính là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Dự thảo dùng cụm từ “trực thuộc” là hợp lý, chặt chẽ đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy” - ông Trương Xuân Cừ khẳng định.
Theo bà Đặng Huyền Thái - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, dự thảo Hiến pháp bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp. Theo đó, dự thảo cũng khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam là trung tâm trong hệ thống chính trị, là tổ chức để mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, MTTQ Việt Nam được giao trọng trách trong việc đề xuất trình các dự thảo Luật.
“Trong Điều 9 của Hiến pháp, MTTQ Việt Nam được bổ sung là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, khẳng định thực quyền của MTTQ Việt Nam. Dự thảo cũng quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp, dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo… Điều này không chỉ khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam mà còn khẳng định vai trò cốt lõi tập hợp đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền…”- bà Đặng Huyền Thái khẳng định.
Là người gắn bó với công tác Mặt trận ở cơ sở trong nhiều năm, ông Lương Anh Tế - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế - Xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần phân biệt phạm trù MTTQ và khái niệm Ủy ban MTTQ. Phạm trù MTTQ là nói đến một liên minh đại diện cho nhân dân, còn khái niệm Ủy ban MTTQ là nói đến một cơ quan lãnh đạo của MTTQ trong một nhiệm kỳ 5 năm. Phân biệt rạch ròi các nội hàm này sẽ tránh việc có ý kiến khác nhau xung quanh việc đưa vào chế định trong Điều 9 của Hiến pháp là: các tổ chức trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Vừa hoạt động trực thuộc vừa phát huy tính chủ động sáng tạo
Trước đó, thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, các cấp có thẩm quyền đã quyết định kết thúc hoạt động của nhiều tổ chức Đảng, Nhà nước, sáp nhập nhiều tổ chức như: Ban Dân vận với Ban Tuyên giáo thành Ban Tuyên giáo và Dân vận; Ủy ban Tư pháp với Ủy ban Pháp luật thành Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế với Ủy ban Tài chính ngân sách thành Ủy ban Tài chính Ngân sách; Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng… được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Do vậy, sắp xếp hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là xu thế tất yếu, phù hợp và tương xứng với các tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện.
Việc sắp xếp lại mô hình, tổ chức Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cũng bảo đảm MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ.
Hiện nay Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương có 22 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với gần 5.000 đảng viên, với 3 đảng bộ cấp trên cơ sở, 6 đảng bộ cơ sở được giao một số nhiệm vụ cấp trên cơ sở, 8 đảng bộ cơ sở và 5 chi bộ cơ sở.
Ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã như Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.
Nhấn mạnh việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy là cuộc cách mạng với cả nước nói chung và đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng, với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy đã rất nỗ lực, tích cực cùng với bộ phận tham mưu giúp việc hoàn thành Đề án tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trình Bộ Chính trị.
“Bộ Chính trị sẽ ban hành quyết định phù hợp để việc sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất thực hiện theo lộ trình trước 15/7/2025 nhằm đảm bảo các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vừa hoạt động trực thuộc Mặt trận vừa phát huy tính chủ động sáng tạo của mình” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Tinh gọn trong Mặt trận để các tổ chức đoàn thể hoạt động thực sự có hiệu quả
Ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, nội hàm “trực thuộc” thể hiện bộ máy của chúng ta là thống nhất, chúng ta tinh gọn trong tổ chức Mặt trận để các tổ chức đoàn thể hoạt động thực sự có hiệu quả. Nếu không có cụm từ “trực thuộc” thì không còn vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Như chúng ta đã biết trước đây các tổ chức đoàn thể có vị trí vai trò, tính độc lập rất cao tuy nhiên sau khi chúng ta đã hợp nhất lại về Mặt trận thì vẫn phát huy được tính độc lập, tính đặc thù của mỗi tổ chức đoàn thể nhưng về tổ chức bộ máy thì phải quy về thành một mối dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.
Sửa đổi Hiến pháp bám rất sát với việc tinh gọn bộ máy
Ông Vũ Hào Quang - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) đồng tình với cụm từ “các tổ chức chính trị- xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam” trong sửa đổi Hiến pháp và cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này bám rất sát với việc tinh gọn bộ máy. Theo ông Quang, trong sửa đổi Hiến pháp, chúng ta nên có sự đổi mới về tư duy. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, việc các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là điều bình thường. Các tổ chức chính trị - xã hội có tính độc lập tương đối, có con dấu, Điều lệ riêng nên nếu dùng từ “trực thuộc” không ảnh hưởng gì, việc cần làm là Luật hóa để đi vào cuộc sống.
Thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả
Luật sư Lê Đức Bính - thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) cho rằng, tại Điều 9, bổ sung “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXNCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là phù hợp với thể chế chính trị của nước ta hiện nay. Ngoài ra, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam rất phù hợp, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam, Điều lệ giám sát của mỗi tổ chức. Trước đây, quy định các tổ chức đoàn thể là thành viên của MTTQ Việt Nam nay quy định các tổ chức này trực thuộc dưới dự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của MTTQ Việt Nam sẽ góp phần thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động.