Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Hà Tĩnh, lễ khai giảng năm học mới (2021-2022) được tổ chức trực tiếp tại 1 cơ sở giáo dục và phát sóng trực tiếp qua đài truyền hình tỉnh. Sự thay đổi về cách thức khai giảng báo hiệu một năm học đầy gian khó nhưng không vì thế mà chùn bước.
Khai giảng khác biệt
7h sáng 5/9, Hà Tĩnh tổ chức lễ khai giảng trực tiếp năm học mới 2021-2022 tại Trường THCS Lê Văn Thiêm (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh).
Lễ khai giảng có sự tham gia của 150 thầy cô giáo, ban đại diện phụ huynh và các em học sinh. Riêng hơn 350 nghìn giáo viên, học sinh ở các cấp học tại 667 trường học trên toàn tỉnh Hà Tĩnh được quán triệt khai giảng qua truyền hình trực tiếp, mạng xã hội…
Trước khi vào lễ khai giảng, tất cả giáo viên, học sinh và đại biểu đều được đo thân nhiệt, khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Chương trình lễ khai giảng chỉ kéo dài trong vòng 40 phút với các nghi thức: Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, phát biểu của lãnh đạo tỉnh và đánh trống khai trường.
Sau 8h, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến theo quy mô từng lớp hoặc toàn trường với hình thức gọn nhẹ, đảm bảo các nội dung, nghi thức như lễ khai giảng trực tiếp để tạo không khí phấn khởi cho học sinh.
Tạo tâm thế mới
Lễ khai giảng khác biệt cùng với những biến động của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, phụ huynh và giáo viên. Theo ghi nhận của PV, bước vào năm học mới, ngoài sự háo hức là những lo âu và bao trùm trong đó là nỗi lo về hình thức học trực tuyến có đảm bảo chất lượng, có nghiêm túc như học tập trung hay không.
“Liệu học sinh có cảm thụ được hết kiến thức cần thiết không?” - đó là câu hỏi thường trực trong lòng mỗi học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Chị Nguyễn Thị Bưởi, phụ huynh em Phan Thị Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Trung Đồng, huyện Can Lộc) chia sẻ: Do dịch bệnh phải học trực tuyến là điều dễ hiểu nhưng tôi lo con mình không tiếp thu được đầy đủ kiến thức như học tập trung. Năm học cuối cấp nên cháu chịu nhiều áp lực. Ở nhà còn có 2 em nhỏ bậc mầm non và tiểu học, bố mẹ đi làm nên nhiều lúc em quấy cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học của cháu.
Nỗi lòng của phụ huynh, học sinh được chuyển tải đến thầy, cô. Thấu hiểu điều đó, giáo viên đã kịp thời động viên, khích lệ để phụ huynh, học sinh yên tâm và đồng hành cùng giáo viên.
“Chúng ta sẽ biến khó khăn thành động lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn này, bố mẹ cứ yên tâm, khó ở đâu ta gỡ ở đó. Nhà trường cũng như ngành giáo dục có phương án, kế hoạch cụ thể, trước mắt phải đảm bảo sức khỏe cho con em rồi ta tính tiếp” - cô Trịnh Anh Đào, giáo viên Trường tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) động viên.
Để tổ chức dạy học năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh quán triệt đến các Phòng GD-ĐT và trường học các cấp. Đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học chưa tổ chức dạy học cho đến khi có thông báo mới. Đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, bắt đầu dạy học từ ngày 06/9/2021 (thứ Hai).
Hình thức tổ chức tổ chức dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. “Nhà trường nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh từ đó phân đối tượng học sinh thành các nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả; đảm bảo không để bất kỳ học sinh nào không được học tập” - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh Đặng Thị Quỳnh Diệp nhấn mạnh.
Để tổ chức dạy và học hiệu quả, Hà Tĩnh tiến hành chia học sinh thành các nhóm. Nhóm 1 là học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến, nhóm 2 là học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được, nhóm 3 là học sinh không thể học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được.
Mỗi nhóm có một cách tổ chức dạy và học riêng, phù hợp với từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể, phát huy tính sáng tạo, huy động cả cộng đồng đồng hành cùng nhà trường, gia đình, học sinh.
Sau khi học sinh trở lại trường học tập, nhà trường tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu, nhất là các em thuộc nhóm 2, nhóm 3.
Để học trực tuyến hiệu quả hơn, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh yêu cầu hiệu trưởng các trường hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên xây dựng, phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học trực tuyến; tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2021-2022 ở Trường THCS Lê Văn Thiêm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng ghi nhận những thành tích của ngành giáo dục trong năm học qua. Dự báo tình hình dịch Covid-19 còn tác động lớn tới công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.
Với quan điểm, không để dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị ngành GD-ĐT phát huy tính sáng tạo, nhạy bén để công tác dạy và học vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Mong muốn các bậc phụ huynh đồng hành với nhà trường, xã hội để tiếp sức cho con em.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chăm lo đến mọi đối tượng học sinh nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh con em các gia đình khó khăn, yếu thế.
“Để tiếp nối truyền thống, mạch nguồn ham học, hay làm, vươn lên chinh phục đỉnh cao trí tuệ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, các em phải có tầm nhìn rộng mở, có tư duy sáng tạo và năng lực tiếp cận cái mới, cái tiến bộ, tránh xa thói hư tật xấu, hình thành cho bản thân những thói quen tốt về văn hóa học đường, ứng xử nhân văn, hành động trách nhiệm, đáp lại sự tin yêu, kỳ vọng của toàn xã hội” - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhắn nhủ học sinh toàn tỉnh.