Sầu riêng nghịch vụ được giá

Anh Minh 07/11/2023 06:58

Năng suất sầu riêng xã Long Trung, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đạt bình quân 20 - 24 tấn/ha, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân, cao nhất trong các loại cây ăn quả đặc sản địa phương.

Tỉnh Tiền Giang hiện có gần 18.000ha sầu riêng. Ảnh: TTXVN.

Nông dân vùng chuyên canh sầu riêng ở Tiền Giang hiện bắt đầu thu hoạch vụ nghịch trong năm, giá đang tăng mạnh. Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc cho biết, thương lái đang thu mua sầu riêng Monthong với giá 110.000 - 130.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước 24.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Dương Phước Hưng - Chủ tịch UBND xã Long Trung, huyện Cai Lậy cho biết năng suất sầu riêng trong vùng đạt bình quân 20 - 24 tấn/ha, mang lại hàng tỷ đồng lợi nhuận, cao nhất trong các loại cây ăn quả đặc sản địa phương.

Long Trung hiện có gần 1.000 ha sầu riêng chuyên canh với sản lượng mỗi năm 20.000 - 30.000 tấn quả. Vụ nghịch hàng năm kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau thường có giá cao so với vụ thuận (tháng 4 đến tháng 7 ở ĐBSCL).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, sầu riêng là loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang.

Do vụ nghịch thường trúng mùa, trúng giá nên địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng các biện pháp khoa học để đạt năng suất cao. Một trong các biện pháp là xử lý để cây ra trái thời điểm nghịch vụ, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá. Cụ thể, khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hằng năm, nông dân xử lý để vườn sầu riêng cho thu hoạch vào tháng 11 trở đi.

Tiền Giang xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để nâng cao giá trị xuất khẩu. Ông Mẫn cho biết, toàn tỉnh hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600ha và 66 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện có gần 18.000ha sầu riêng, tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Châu Thành… với sản lượng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả.

30% kim ngạch rau quả

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 10/2023 xuất khẩu rau quả ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 4,7 % với tháng trước và tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,912 tỷ USD tăng 78,4% so cùng kỳ năm 2022. Sầu riêng dự kiến đóng góp hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm 2022.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, hết tháng 10/2023, xuất khẩu sầu riêng thu về xấp xỉ 2 tỷ USD. Có khả năng, cả năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,2 – 2,3 tỷ USD.

Nói về lợi thế sầu riêng Việt Nam, ông Nguyên cho hay, sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thấp hơn Thái Lan. Chất lượng sầu riêng của Việt Nam cũng rất tốt, do đó, dù chúng ta mới tham gia thị trường sầu riêng nhưng kết quả tốt.

Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD trong năm 2023. Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng, với việc tăng cường chất lượng, cùng việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mở cửa thêm nhiều thị trường, trong thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt được 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sầu riêng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, năm 2025, trị giá thị trường sầu riêng Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc. Trên thị trường 1,4 tỷ dân này, sầu riêng Việt Nam chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 15 năm tới, việc tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Do vậy, nông dân cần tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng sản phẩm và giống. Sầu riêng Việt Nam phải sẵn sàng cạnh tranh về số lượng, đồng thời tăng cường chất lượng để từ đó chiếm ưu thế trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sầu riêng nghịch vụ được giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO