Đến nay công tác trùng tu Chùa Cầu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành, mọi che chắn sau gần 2 năm để phục vụ trùng tu di tích đã được tháo dỡ lộ diện một Chùa Cầu hiện nay thu hút sự quan tâm của người dân và du khách nhưng cùng với đó là những ý kiến trái chiều.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, Dự án trùng tu Chùa Cầu được khởi công từ cuối tháng 12/2022 do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện là Trung tâm tư vấn bảo tồn di tích - Viện bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Công ty TNHH Kim An là đơn vị thi công. Với tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP.Hội An bố trí 50%”.
Trưa 28/7, ghi nhận thực tế của chúng tôi, bên trong Chùa Cầu một số khung gỗ hư hỏng, mục ruỗng trước đó đã được thay mới hoàn toàn. Một số trụ gỗ được khớp nối bằng đoạn gỗ mới. Văn bia và ký tự trên văn bia được sơn lại. Kết cấu mặt sàn được làm nhô cong hình vòng cung rất đẹp mắt.
Dòng kênh dưới chân Chùa Cầu được nạo vét, không còn ứ đọng rác thải, môi trường trở nên trong sạch. Bên trong Chùa Cầu các công nhân vẫn đang khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại. Tuy chưa được vào bên trong Chùa Cầu, nhưng bên ngoài những ngày qua nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh, check in tại đây.
Ông Trần Trung Châu, ở phường Cẩm An, TP Hội An cho biết: “Có thể dễ dàng nhận thấy di tích Chùa Cầu sau khi tu bổ trở nên mới mẻ, sáng hơn bởi màu sơn, còn màu mái ngói và họa tiết trên mái hay các ký tự, dòng chữ viết được sơn quét lại tô đậm hơn. Theo tôi thì rất ổn và đẹp. Chùa Cầu là biểu tượng của TP Hội An, do đó khi đưa vào hoạt động trở lại sẽ là điểm thu hút nhiều du khách”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, ở TP Đà Nẵng chia sẻ: “Chùa Cầu sau khi tu bổ cơ bản vẫn còn giữ được các yếu tố nguyên gốc. Tuy nhiên diện mạo mới Chùa Cầu màu sắc quá sáng. Cạnh đó phần thân và mái ngói được sơn quét mới làm cho di tích này trở nên hơi khác lạ, hiện đại hơn so với trước đây. Theo tôi cảm nhận Chùa Cầu cũ hồi trước có phần cổ kính, đẹp hơn”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, việc trùng tu di tích Chùa Cầu, là việc làm hết sức cẩn trọng của chính quyền địa phương. Trước khi trùng tu, TP Hội An đã nhiều năm nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học và chuẩn bị hồ sơ cũng rất chu đáo. Trong quá trình tu bổ Chùa Cầu, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn bởi có những ý kiến khác nhau về việc trùng tu một số hạng mục nhưng đáng mừng là việc tu bổ đến nay sắp hoàn thành, gần như không có gì thay đổi với hiện trạng trước đây.
Ông Nguyễn Văn Sơn nói: “Công trình này được Bộ VHTTDL đánh giá mẫu mực về trùng tu. Còn việc sau khi trùng tu thì chúng ta sơn quét mới lại nhằm đảm bảo tuổi thọ của di tích này, việc mới ra này do thay đổi màu sắc đó là chuyện bình thường. Thế nhưng sau thời gian, mưa gió, rêu phong thì những viên ngói mới đó sẽ sớm cũ và cổ kính lại. Đồng thời trong quá trình trùng tu Chùa Cầu có sự theo sát, giúp sức của cả đội ngũ chuyên gia văn hóa đầu ngành của Việt Nam lẫn Nhật Bản”.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An, do đó việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, xử lý kĩ thuật, điều chỉnh hồ sơ, đảm bảo cho công việc thi công tu bổ được triển khai một cách thận trọng, bài bản. Hiện nay Chùa Cầu cơ bản đã hoàn thành kịp khánh thành trong dịp Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ 20 vào đầu tháng 8/2024.
Ông Phạm Phú Ngọc nói thêm, thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện còn tồn lại màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An, như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.
“Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, Tết đến Xuân về hàng năm”, ông Ngọc khẳng định.