Tinh hoa Việt

Say nồng xòe Thái

DIÊN KHÁNH 30/03/2024 05:58

Đồng bào người Thái ở các tỉnh Tây Bắc có kho tàng văn hóa đặc sắc, trong đó có các điệu xòe độc đáo.

lxd00208.jpg
Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật. Ảnh: Hải Yến.

Xòe là một loại hình vũ đạo với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống. Có 3 loại hình gồm xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe trình diễn. Bà con dân tộc Thái các tỉnh Tây Bắc vinh dự khi UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cái nôi của xòe cổ

“Gió đưa tiếng sáo trên ngàn/ Cùng về Nghĩa Lộ hoa ban trắng rừng”. Theo câu thơ xuân, tôi đã nhiều lần trở về Nghĩa Lộ, miền tây của tỉnh Yên Bái. Mỗi lần trở lại, trong tôi lại có sự hồi hộp, khám phá và những sự chờ đợi.

Đến đất Yên Bái, bao văn nghệ sĩ từng say với những đêm Hạn khuống, những điệu xòe có rượu mềm môi cùng các cô gái Thái duyên dáng. Có người thì về viết nhạc, người làm thơ, có người vẽ nên những bức tranh rực rỡ mà đầy trữ tình, thể hiện hồn cốt riêng biệt của thiếu nữ vùng cao.

Nói đến Nghĩa Lộ là nói đến vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nơi đây cũng là nơi sản sinh và nuôi dưỡng nên một nền văn hóa độc đáo với các lễ hội Xên bản Xên mường, đó là hội Lồng Tồng, đó là lễ Xên Đông, tết Xíp xí. Rồi lễ hội hái hoa ban, sinh hoạt Hạn khuống… Nghĩa Lộ là cái nôi của 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn của hơn 30 điệu nổi tiếng.

Trong tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng rộn rã, tiếng khèn bay bổng thiết tha, những bước xòe làm cho con người gần gũi chan hòa với nhau hơn. Khi đã đứng vào vòng xòe đan tay nhau bên đống lửa ấm nồng thì dường như ai cũng chỉ muốn hóa thân, hòa mình vào niềm vui, chẳng kể già, trẻ hay gái, trai. Ai cũng muốn gửi vào đêm hội xòe, gửi vào linh thiêng đất trời những ước mơ, khát vọng của con người trước vẻ đẹp của cuộc sống. Cô gái Thái nào cũng đều biết múa. Áo cóm, xà tích, vòng bạc, váy, khăn Piêu…, trang phục của phụ nữ Thái gần như còn nguyên vẹn do mình tự sắm lấy để vui múa.

Tôi cũng đã tìm thấy một đôi mắt trong đêm Hạn khuống của ba năm về trước. Em là Lò Thị Hương (bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ) năm nay vừa tròn 17, ngay từ lúc 15 tuổi đã biết làm dáng, rất đáng yêu.

Hương nói rằng người con gái Thái, ngay khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu” (thắt lưng bằng vải), để lớn lên các cô gái đều có thân hình “eo kíu manh po” (thắt đáy lưng con tò vò). Chính vì vậy khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Váy của con gái Thái màu đen, mặt trong gấu váy táp vải màu rực rỡ. Mỗi bước đi chân váy thấp thoáng sắc màu, lượn sóng kín đáo mà duyên thầm.

Hương uống rượu rất khá, khi tiếp khách, có chút men trong người cô hát rất hay. Khách khi đó không chỉ say tiếng hát ngọt ngào của cô mà còn say bởi đôi mắt ướt át đa tình.

Qua Hương và gia đình cô, tôi hiểu thêm về sự hiếu khách của con người vùng đất giàu văn hóa này. Nhưng có một điều làm tôi khó hiểu, là rất nhiều chàng trai dưới xuôi ngỏ lời yêu, muốn cưới Hương làm vợ thì cô đều từ chối. Không biết cha mẹ cô đã làm cách nào để giữ cô con gái ở lại, hay Hương không thể xa mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Có lần tôi cũng hỏi, vì sao cô ở lại cánh đồng Mường Lò, ở lại với những đêm xòe, đêm Hạn khuống như một định mệnh, thì Hương chỉ cười, và đôi mắt bí ẩn thì long lanh.

2-ve-dep-thieu-nu-thai-anh-thanh-mien.jpg
Vẻ đẹp thiếu nữ Thái. Ảnh: Thanh Miền.

Vùng trầm tích

Đến với các bản làng Tây Bắc những ngày xuân, du khách như bị lạc vào miền của váy áo sặc sỡ như những bông hoa đua nở trắng rừng Tây Bắc, càng bị hút hồn hơn bởi những điệu xòe.

Người Thái vùng Tây Bắc sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, họ phải đối mắt với kẻ thù hai chân và bốn chân. Mỗi khi những công việc đó được hoàn thành tốt, họ cùng nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa để ăn mừng một cách hoàn toàn ngẫu hứng. Rồi từ đó mà những điệu xòe được phát triển hoàn thiện, mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai nương rẫy, trồng lúa, mời rượu… những hoạt động thực tế và những ước mơ của cuộc sống được thể hiện một cách sinh động và tinh tế, đời này qua đời khác.

Với tỉnh Điện Biên, nơi dân tộc Thái chiếm hơn 35% dân số - Múa xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Từ bao đời nay, cộng đồng người Thái ở Điện Biên vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp này.

Nghệ nhân Tòng Trung Chiến, bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), cho hay: Có rất nhiều điệu xòe cổ. Bắt đầu là điệu “Khắm khen”: quanh đống lửa, mọi người nắm tay nhau nhảy múa mang tính sơ khai, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điệu “Khắm khăn mơi lẩu”: nâng khăn mời rượu. Là một điệu múa đầy chất trữ tình và ấm áp tình người, thể hiện sự hiếu khách. Điệu “Phá xí” thể hiện đoàn kết cộng đồng, kính hướng tổ tiên. Điệu “Đổi hôn”: múa tiến lùi, muốn nói rằng dù trời đất có như thế nào thì tình con người vẫn luôn son sắt. Điệu “Nhuôn khăn”: là điệu tung khăn, tưng bừng nhất, thường diễn vào lúc mùa bội thu, khi đám cưới, lên nhà mới… Người Thái có câu ca rằng: “Không xòe không tốt lúa. Không xòe thóc cạn bồ”.

Mỗi một bước xòe qua đi, người ta như được gột rửa tinh thần, cảm thấy cuộc sống đáng yêu, chan hòa hơn, yêu người hơn để bước vào những ngày lao động mới, với niềm tin phơi phới.

Ngày xưa, dưới chế độ thực dân phong kiến, các điệu múa xòe và kiếp gái xòe chủ yếu nhằm mua vui cho quan lại. Ngọn lửa của vòng xòe cứ run bần bật, những cô gái vừa diễn vừa run sợ, không được thoải mái. Phần lớn là bị ép buộc. Tưởng khi đó múa xòe sẽ bị tắt rụi, nhưng lửa trong lòng người ấm mãi, vì thế mà lưu giữ được cho đến bây giờ.

Từ năm 1990 đến nay, cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã thực hiện các biện pháp bảo vệ nghệ thuật xòe như thành lập các đội sinh hoạt xòe Thái, các nghệ nhân dân gian, các nhà nghiên cứu địa phương phương ghi chép và xuất bản tài liệu về sự sáng tạo và phát triển, cách thức xòe, các điệu, bối cảnh diễn xướng, và những loại hình văn hóa liên quan.

Nghệ thuật xòe của đồng bào dân tộc Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống, đã phát triển ở tính thẩm mỹ sáng tạo cao, thể hiện khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc.

Đó còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Thái cho biết, do sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái lại nắm tay nhau nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa.

Những điệu xòe hình thành phát triển từ đó. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay), nảy sinh trong quá trình lao động, trong sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Say nồng xòe Thái