“Mặc dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19” - đó là nhấn mạnh của PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khi trao đổi xung quanh vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19.
PV: Thưa bà việc tiêm vaccine phòng Covid-19 ở nước ta sẽ triển khai như thế nào trong thời gian tới?
PGS.TS Dương Thị Hồng: Từ năm 2021 đến nay, để nhanh chóng phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta đã tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo hình thức chiến dịch quy mô lớn cho các nhóm đối tượng, bao gồm: Người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng số số mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 đã thực hiện là hơn 266 triệu mũi, Việt Nam là quốc gia đạt độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao cho các lứa tuổi, bao gồm các liều cơ bản và các liều tiêm nhắc lại.
Để thực hiện thành công công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, chúng ta đã phải huy động tối đa nguồn nhân lực của ngành y tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể xã hội. Nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chống đại dịch Covid-19 ở nước ta.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc lại, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Các khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế đề cập đến miễn dịch do tiêm vaccine Covid-19 và do mắc phải Covid-19 có xu hướng giảm dần theo thời gian. Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế có khuyến cáo như thế nào về việc tiêm vaccine phòng Covid-19?
- Theo khuyến cáo cập nhật của WHO, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 gồm người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc Covid-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6-12 tháng.
Hiện nay trên thế giới đã có vaccine phòng Covid-19 cập nhật “update Covid-19 vaccine” phòng chủng virus gốc và chủng Omicron. Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, tất cả các đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản cần được tiêm bổ sung 1 liều vaccine cập nhật. Ngoài ra, người từ 65 tuổi trở lên cần được tiêm thêm 1 liều vaccine cập nhật thứ 2 sau 4 tháng trở ra, người suy giảm miễn dịch cũng cần tiêm thêm 1 liều vaccine cập nhật thứ 2 sau ít nhất là 2 tháng sau liều tiêm thứ nhất.
Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của WHO, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, tiếp theo Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới.
Trong tình hình dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng số ca mắc những ngày gần đây, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế. Người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt những người nguy cơ cao mắc Covid-19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trân trọng cảm ơn bà!