Rất có thể một số hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ bị siết lại. Quản lý công ty tài chính tiêu dùng là điều cần thiết trong bối cảnh nhiều kiện tụng và tranh cãi giữa người dân với loại hình công ty này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Hoạt động cho vay tài chính sẽ bị siết chặt theo dự thảo mới.
Hạn chế trường hợp giải ngân trực tiếp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC). Theo dự thảo mới, CTTC giải ngân cho vay tiêu dùng theo 2 cách: Giải ngân thông qua bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) và giải ngân trực tiếp cho khách hàng.
CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Cũng theo dự thảo, CTTC phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC.
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã tăng trưởng vượt bậc, xuất phát cả từ phía cung và phía cầu. Sự bùng nổ của các CTTC trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Giới chuyên gia cho rằng, quản chặt hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC là điều rất cần thiết. Vì nhiều cuộc tranh cãi giữa người tiêu dùng và các CTTC vẫn diễn ra. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng từng đưa ra thống kê cho rằng, các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp, có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng hay có các vụ khiếu nại, và trên thực tế, trong nhóm này chủ thể bị khiếu nại tập trung vào các CTTC; nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như: Cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý người tiêu dùng…
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, tín dụng tiêu dùng của các CTTC có 2 mặt. Nó giúp người dân tiếp cận nguồn vốn dễ hơn nhưng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP, do đó các rủi ro vĩ mô, rủi ro hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống tín dụng tiêu dùng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng để đảm bảo ngăn ngừa các rủi có thể xảy ra.
Giảm rủi ro
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, phân tích dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, cho CTTC, đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.
Đồng quan điểm, TS Châu Đình Linh – giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cũng cho rằng đề xuất của NHNN là rất cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho CTTC. “Với dự thảo này, NHNN hướng đến 3 mục tiêu, đó là đổi từ lượng sang chất và phát triển bền vững, lành mạnh; kiểm soát rủi ro của hoạt động cho vay tiêu dùng và bảo đảm nguồn tiền được sử dụng đúng mục đích” – ông Linh phân tích.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi – chuyên gia ngân hàng, cho rằng hiện nay có những nhóm khách hàng thu nhập thấp, không ổn định, không có tài khoản ngân hàng, không đủ điều kiện vay ngân hàng. Khi khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình cần vay tiêu dùng sử dụng cho các mục đích cấp bách, hoặc mang tính thời vụ, nếu nhu cầu vay bằng tiền mặt lớn hơn quy định sẽ không thể vay qua CTTC, buộc phải tìm đến tín dụng đen.
* Ngày 9/4, tại Hà Nội, NHNN tổ chức cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết quả phối hợp giữa ngành Ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen và triển khai định hướng phối hợp trong thời gian tới. Việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm – vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý – đã giúp tiết kiệm chi phí của họ trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng cũng như trong việc đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc còn hạn chế. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được vay không có tài sản bảo đảm để sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.