Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quản lý tài nguyên nước đóng một vai trò hết sức quan trọng, là nhân tố hàng đầu bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo một cảnh báo mới đây của WHO và UNICEF, hàng tỷ người sẽ thiếu nước sạch và dịch vụ vệ sinh vào năm 2030.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhu cầu cấp thiết để đảm bảo mỗi người dân đều có thể tiếp cận với vệ sinh tay tốt, bởi từ khi đại dịch bùng phát, cứ 10 người trên thế giới thì có 3 người không thể rửa tay bằng xà phòng với nước ở nhà.
Dẫn chứng từ báo cáo mới của WHO và UNICEF, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ nước uống, các dịch vụ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân một cách an toàn toàn vào năm 2030 trừ khi nỗ lực về vấn dề này phải tăng lên gấp 4 lần. Theo đó, vào năm 2020, cứ 4 người thì có 1 người thiếu nước uống an toàn trong nhà và gần một nửa dân số thế giới thiếu điều kiện vệ sinh được quản lý an toàn.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết: Rửa tay là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nguồn cung cấp nước an toàn và đáng tin cậy. Đầu tư vào nước sạch, vệ sinh phải là ưu tiên toàn cầu nếu chúng ta muốn chấm dứt đại dịch này và xây dựng các hệ thống y tế bền vững hơn.
Báo cáo của WHO và UNICEF đã ghi nhận một số tiến bộ nhằm đạt được khả năng tiếp cận phổ cập đối với các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân (WASH). Từ năm 2016 đến năm 2020, dân số toàn cầu có nước sạch tăng từ 70% lên 74%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng từ 47% lên 54%; và vệ sinh cá nhân (rửa tay với xà phòng và nước) tăng từ 67% lên 71%.
Việc tăng tốc độ bao phủ WASH sẽ đòi hỏi sự ưu tiên ở cấp cao nhất trong quá trình ra quyết định của các cơ quan quốc tế, chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Do đó, WASH phải là một nội dung thường xuyên trong chương trình nghị sự tại các cuộc họp chính trị cấp cao để đảm bảo các quốc gia thành viên theo dõi được tiến độ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh đánh giá giữa kỳ sắp tới của Thập kỷ hành động về nước vào năm 2023 - hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về nước và vệ sinh trong gần 50 năm.
Có thể thấy, nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, hàng tỷ trẻ em và gia đình sẽ bị bỏ lại nếu không có các dịch vụ WASH quan trọng, cứu mạng, thì vào năm 2030:
Chỉ 81% dân số thế giới được sử dụng nước uống an toàn tại nhà, còn 1,6 tỷ người không có nước uống. Chỉ 67% sẽ có dịch vụ vệ sinh an toàn, còn 2,8 tỷ người sẽ không có. Và chỉ 78% sẽ có các thiết bị rửa tay cơ bản, còn lại 1,9 tỷ không có.
Báo cáo cũng ghi nhận sự bất bình đẳng lớn mà trẻ em dễ bị tổn thương và các gia đình phải gánh chịu nhiều nhất. Để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập nước uống được quản lý an toàn vào năm 2030, tốc độ tiến bộ hiện tại ở các nước kém phát triển sẽ cần phải tăng gấp 10 lần. Ở những nơi có nguy cơ thiếu nước uống an toàn cao gấp đôi, nỗ lực này sẽ cần phải tăng tốc thêm 23 lần.
Đại diện UNICEF cho biết: Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, hàng triệu trẻ em và gia đình đã phải chịu đựng không có nước sạch, điều kiện vệ sinh an toàn và nơi để rửa tay. Bất chấp những tiến bộ ấn tượng của chúng tôi cho đến nay để mở rộng quy mô các dịch vụ cứu sinh này, các nhu cầu ngày càng tăng và đáng báo động vẫn tiếp tục vượt quá khả năng đáp ứng của chúng tôi. Đã đến lúc cần đẩy nhanh nỗ lực nhằm cung cấp cho mọi trẻ em và gia đình những nhu cầu cơ bản nhất về sức khỏe và hạnh phúc của chúng, bao gồm cả việc chống lại các bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
Việt Nam cũng là một trong số những nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động hơn bao giờ hết.
Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.
Trong đó, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát. Việc khoan giếng lấy nước ngầm xảy ra tràn lan, không những gây thất thoát, lãng phí còn có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước đó. Hơn nữa, do không thấy hết vị trí quan trọng của tài nguyên nước, nên trên khắp cả nước, đâu đâu cũng thấy có những bãi rác, nơi chôn cất, xử lý rác thải không được thực hiện theo đúng quy định và quy trình bảo vệ môi trường, để nước rác rò rỉ ngấm xuống nguồn nước ngầm và tràn ra nguồn nước mặt.
Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính gây ra thiếu nước. Theo báo cáo, hiện nay, hơn 70% lượng nước ở các sông trên toàn quốc không thể dùng để ăn uống hay tắm rửa. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Nguyễn Minh Khuyến cho biết: đến 2025 sẽ tái sử dụng từ 20-30% nước để giảm sức ép với tài nguyên. Trong những năm tới, chính sách tái sử dụng nước sẽ tiếp tục được quan tâm và bộ TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để ban hành chính sách tái sử dụng nước để giảm sức ép khai thác tài nguyên.