Tinh hoa Việt

Sĩ số 35 học sinh/lớp: Mục tiêu để phấn đấu

TRỌNG QUANG 12/08/2024 08:56

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành công văn gửi các sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp. Tuy nhiên, ở một số địa phương như Hà Nội, TPHCM sĩ số 35 học sinh/lớp "vẫn chỉ là mục tiêu để phấn đấu".

img_0036.jpg
Tại Hà Nội, hiện bình quân là trên 40 học sinh/lớp, cá biệt, có những khu vực vẫn trên 50 học sinh/lớp. Ảnh: Xuân Lê.

Theo quyết định của Bộ GDĐT, năm học 2024 - 2025, học sinh tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2024.

Chuẩn bị cho năm học mới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đã ký hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với bậc tiểu học. Trong đó, yêu cầu các địa phương duy trì vệ sinh môi trường trong trường học, có phương án bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý. Trước thềm năm học, các cơ sở giáo dục phải kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học, không đưa vào sử dụng trường, lớp đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.

Đối với kế hoạch dạy học, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Đặc biệt, Bộ GDĐT yêu cầu tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, năm học 2024-2025 câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp vẫn tồn tại ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội và TPHCM. Chính vì thế, yêu cầu của Bộ GDĐT đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp rất khó thực hiện.

Dẫn chứng tại quận Bình Tân (TPHCM) - một trong những "điểm nóng" của TPHCM về áp lực dân số. Theo ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GDĐT quận Bình Tân, năm học 2024-2025, Bình Tân dự kiến có khoảng 66.000 học sinh ở bậc tiểu học. Mặc dù năm nay quận đã có thêm 5 trường tiểu học, nâng tổng số lên 28 trường tiểu học nhưng việc đảm bảo sĩ số học sinh với quy chuẩn 35 em/lớp không dễ thực hiện ở tất cả các trường. Quận hiện có khoảng 63% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và sĩ số bình quân trên lớp năm nay phấn đấu giảm xuống còn khoảng 42 học sinh/lớp.

Trong khi đó, tại Hà Nội, việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội đặt ra trong nhiều thập niên qua. Với khoảng 2,3 triệu học sinh, Thủ đô Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước. Ước tính, mỗi năm Hà Nội lại tăng thêm khoảng 40-50 nghìn học sinh. Năm học 2024-2025 thành phố tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào lớp mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6. So với 2 năm trước, khi số học sinh Hà Nội "đạt đỉnh" về mức tăng ở tất cả các cấp học thì năm học này, số học sinh đều giảm dần. Nếu chỉ tính học sinh vào lớp 1 thì năm học 2024-2025 giảm trên 900 học sinh.

Nhưng, số học sinh trong mỗi lớp vẫn không thể đạt được “con số mơ ước” 35 học sinh/lớp. Theo thống kê, tại Hà Nội, hiện bình quân là trên 40 học sinh/lớp. Cá biệt, có những khu vực như ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… vẫn trên 50 học sinh/lớp. Hiện chỉ có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn là 37 học sinh/lớp.

Để giải quyết thực tế quá tải trường lớp ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, câu chuyện xây trường mới, sửa trường cũ đã được đặt ra, thậm chí đưa vào kế hoạch, nghị quyết của nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, hiện việc xây mới các trường học đang được triển khai. Từ bậc mầm non cho đến THPT, các trường công lập được sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng nhiều hơn chỗ học cho học sinh. Theo tính toán, thành phố sẽ chi tới hàng chục nghìn tỷ đồng để giảm tải áp lực sĩ số tại nhiều trường hiện nay.

Quận Cầu Giấy là một trong những điểm nóng về quá tải trường lớp và đang đẩy mạnh việc xây dựng. Trong năm học này, quận Cầu Giấy đầu tư 900 tỷ đồng để xây dựng mới 4 trường và cải tạo, mở rộng 3 trường. Tại quận Bắc Từ Liêm, các trường học cũng đang được xây mới. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường. Thành phố cũng cải tạo, sửa chữa các trường và phòng học bộ môn. Ước tính nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là khoảng 51 nghìn tỷ đồng.

Còn tại TPHCM, tính đến hết tháng 7 vừa qua, đã khánh thành 12 ngôi trường với tổng cộng 325 phòng học mới, sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay đầu năm học 2024-2025. Trong đó, quận Bình Tân khánh thành được 7 ngôi trường công lập mới, trong đó có 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS với 204 phòng học, nâng tổng số phòng học ở quận lên 4.061 phòng (công lập là 2.131 phòng). 5 trường còn lại nằm rải rác ở các quận 8, 6, 12, huyện Hóc Môn và Bình Chánh.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2024, TPHCM dự kiến có thêm 6 trường mới tại các quận 4, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh. Với 6 trường này, TPHCM dự kiến có thêm 118 phòng học mới trong khối công lập. Ngoài ra số phòng học mới được đầu tư theo hình thức xã hội hóa là 309 phòng. Sau đó trong năm 2025, TPHCM tiếp tục hoàn thành thêm 280 phòng học, tăng 111 phòng trước ngày 30/4/2025. Ngoài ra số phòng được đầu tư theo hình thức xã hội hóa là 570 phòng.

Để có giá bán sách giáo khoa ở mức thấp nhất
Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, sách giáo khoa là câu chuyện được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm.
Theo ông Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm học 2024-2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11). Đồng thời, xây dựng giá bán SGK các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản.
Cụ thể, đối với sách giáo khoa tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá sách giáo khoa. Theo đó, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước.
Đối với giá sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12, đơn vị này đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản.
Để đảm bảo chính xác, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi cho học sinh và người dùng, bảng giá mới sách giáo khoa đã được niêm yết đầy đủ, công khai tại các điểm bán sách giáo khoa trên toàn quốc; trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (tại địa chỉ www.nxbgd.vn) và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
T.H

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sĩ số 35 học sinh/lớp: Mục tiêu để phấn đấu