Dù đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên Thanh tra Sở Y tế TPHCM thừa nhận, vấn nạn cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” vẫn diễn biến phức tạp.
Trăm kiểu “núp bóng” hoạt động
Bất ngờ kiểm tra một cơ sở thẩm mỹ “chui” nhưng treo bảng quảng cáo “Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ” tại địa chỉ số 22 đường 3/2, Phường 12 (quận 10), Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm thanh tra y tế, công an và chính quyền địa phương) cho biết, ê-kíp bác sĩ, chuyên viên thẩm mỹ “dỏm” đã mở chuông báo cháy để tẩu thoát ra ngoài. Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM nhận được nhiều phản ánh của các nạn nhân của “Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ” gặp triệu chứng đột ngột khó thở, sốc phản vệ sau phẫu thuật.
Ngày 16/8, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận cuộc gọi từ người thân một nữ bệnh nhân T.M.N. (51 tuổi) đột ngột khó thở, lơ mơ sau phẫu thuật cắt mí mắt và xóa sẹo vùng bụng tại cơ sở thẩm mỹ kể trên. Ngay khi tiếp cận bệnh nhân, kíp trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 chẩn đoán nhanh người bệnh đang trong tình trạng phản vệ độ II, hạ can xi máu. Ngày 17/8, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp với Công an thành phố và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở tại địa chỉ nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận có bệnh nhân N.T.P. (42 tuổi) đang được một “bác sĩ nam” thực hiện phẫu thuật nâng mũi, với giá 11 triệu đồng. Theo bệnh nhân này, khi mới đưa sụn vào cánh mũi sau khi tiêm thuốc tê, “bác sĩ nam” dặn có còi báo động cháy và kêu người này chạy ra ngoài.
Theo đoàn kiểm tra, cơ sở hành nghề trái phép tại quận 10 kể trên là một toà nhà gồm 1 tầng hầm, 1 trệt và 6 tầng cao. Cũng tại địa chỉ này, UBND quận 10 từng ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. Cơ sở này cũng từng bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng do hoạt động “chui”.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, trường hợp cơ sở thẩm mỹ có tên “Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thẩm mỹ Paris” (phường 9, quận 3) từng bị xử phạt về hành vi “người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật” và “không thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, ngay sau đó liên tục tái phạm, tiếp tục bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt hành vi “Lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật” với hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Mới đây nhất, khi xảy ra trường hợp sự cố y khoa nghiêm trọng sau phẫu thuật hút mỡ bụng tại cơ sở này, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất, sau đó yêu cầu ngừng các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở này vì không đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe cho người bệnh.
Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã liên tiếp xử phạt hành chính nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui” tại quận 1, 3, 10, 11 và Tân Bình, kèm theo hình thức phạt bổ sung tạm đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép hành nghề.
Cần chế tài để răn đe
Dù đã tăng cường nhiều biện pháp, Thanh tra Sở Y tế TPHCM thừa nhận là chưa giải quyết được căn cơ vấn nạn cơ sở thẩm mỹ “chui”. Mới đây, tại Hội nghị về tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế TPHCM tổ chức, Bác sĩ chuyên khoa II - Hồ Văn Hân - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, không chỉ vất vả trong quản lý các cơ sở thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép và quản lý, thời gian qua các cơ sở thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp do cấp quận/huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh dù không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế nhưng lại hoạt động “lấn sân”.
Theo ông Hân, thời gian qua các sự cố y khoa liên quan đến làm đẹp tại thành phố liên tục gia tăng. Trong đó, 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính. Việc gia tăng các cơ sở thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ “chui” và thực trạng quảng cáo trái phép, sai sự thật về làm đẹp trên mạng xã hội cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thành phố.
Đề xuất giải pháp đối với vấn nạn này, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, nhiều cơ sở chỉ thuộc lĩnh vực làm đẹp nhưng lại “lấn sân” sang lĩnh vực y tế, gây ra nhiều tai biến y khoa, thậm chí gây mất an ninh trật tự xã hội. Do đó, cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo đầu mối để quản lý chặt chẽ.
Trong 6 giải pháp để chấn chỉnh, Sở Y tế TPHCM đề nghị người dân tiếp tục cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về vấn nạn cơ sở thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp “chui”. Song song đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ. Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới với Công an TPHCM nhằm xử lý các vụ việc trọng điểm. Trong khi đó, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý, thông qua một Tổ công tác đặc biệt.