Xã hội

Sinh kế nhờ ‘lộc vàng’

CẨM KỲ 17/03/2024 09:20

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được biết đến là “thủ phủ” của nghề nuôi hươu lấy nhung. Đây được xem là nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân miền núi Hà Tĩnh.

a1.jpg
Muốn nuôi hươu lấy nhung đạt hiệu quả cao phải chọn được con giống tốt và chăm sóc đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Chờ ngày “hái lộc”

Ông Nguyễn Chí Công (57 tuổi, trú tại thôn Phượng Hoàng, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn) là một trong những hộ dân gắn bó với nghề nuôi hươu lấy nhung chia sẻ, hươu dễ chăm sóc, lượng thức ăn ít hơn so với các loại gia súc khác, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng giờ đây người dân đã có cách chăm sóc để thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,8 - 1kg, cá biệt hươu khỏe có thể cho “lộc” nặng đến 2kg.

Cũng theo ông Công, nghề nuôi hươu mang lại kinh tế cao hơn so với nuôi trâu, bò. Nếu tính lượng thức ăn, một con bò nái có thể ăn bằng 5 con hươu. Một người khỏe mạnh kiếm nguồn thức ăn cho 2 con bò nái là vất vả, nhưng chăm 7 - 8 con hươu sẽ thấy bình thường. Trong khi đó hươu cho thu hoạch nhung 2 lần/năm.

Trước đây, chăn nuôi hươu phải vất vả vào rừng đốn lá, nhưng bây giờ nông dân Hương Sơn đã chuyển đổi những thửa ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ. Diện tích đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cỏ để nuôi gia súc.

“Muốn nuôi hươu lấy nhung đạt hiệu quả thì phải chọn được con giống tốt và trong quá trình chăm sóc phải có nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng. Khi hươu còn nhỏ chỉ cần cho ăn các loại lá cây như cỏ sữa, lá mít, lá vải, lá chuối… còn khi hươu bắt đầu lên lộc thì cho ăn bổ sung ngô non, khoai sắn và gạo nếp”, ông Công cho biết.

Ghé thăm chuồng trại chăn nuôi hươu của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (69 tuổi, trú tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) đúng dịp gia đình đang thu hoạch lộc nhung. Tất bật chuẩn bị hạ lộc nhung hươu, ông Bình cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 6 con hươu thuần chủng, tuổi đời từ 3 năm trở lên, trong đó có 5 con hươu đực đều đã đến thời điểm cho cắt nhung, ước tính mang lại lợi nhuận kinh tế khoảng 50 triệu đồng. Để kịp bán cho khách, ông phải huy động người nhà và nhờ thêm một số người dân trong vùng đến hỗ trợ.

"Bản tính của hươu rất nhát, nên để cắt nhung phải nhờ 4 - 5 người hàng xóm cùng giúp sức. Năm nay lộc đến sớm hơn, giá đầu mùa cũng cao nên vui lắm", ông Bình nói.

Cầm trên tay dây thừng được cột từ đầu sào bằng tre, ông Bình lồng qua thanh chắn cửa ở chuồng để bẫy hươu. Khi con hươu sa vào bẫy ngã xuống nền, ông cùng những người hàng xóm trói chân, ghì chặt rồi dùng chiếc lưỡi cưa nhỏ, nhẹ nhàng cắt lần lượt từng chiếc nhung mọc trên đầu con hươu. Cặp nhung này ước chừng được khoảng gần 8 lạng. Hiện tại, nhung đang được bán với giá khoảng 1,1 triệu đồng/lạng.

Ông Bình cho biết thêm, nuôi hươu đã trở thành nghề chăn nuôi chủ lực của hầu hết người dân trong huyện, nhà nào ít thì nuôi vài con, nhiều thì trên chục con. Mùa thu hoạch nhung hươu bắt đầu từ Tết Nguyên đán, kéo dài rải rác đến tháng 5, nhưng rộ nhất vẫn là từ tháng 1 đến tháng 3 (âm lịch).

“Người nuôi hươu ai cũng muốn bán nhung vào dịp đầu năm để thu lợi nhuận cao hơn, nhưng không phải con hươu nào cũng cho thu hoạch đúng thời điểm như vậy. Nhung mọc được 45 - 50 ngày mới đạt chuẩn, nếu cắt non thì trọng lượng thấp, còn để quá ngày nhung sẽ già và giảm chất lượng”, ông Bình cho biết thêm.

Ngoài nuôi hươu lấy nhung, theo người dân ở Hương Sơn, việc kết hợp nuôi hươu cái cũng tạo thêm nguồn thu nhập khá lớn. Mỗi năm, hươu cái sinh sản một lần, nếu sinh con đực sẽ bán giống với giá từ 15 - 25 triệu đồng/con, còn sinh hươu cái thì 8 - 10 triệu đồng/con. Như vậy, mỗi cặp hươu bố mẹ có thể cho thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/năm.

a4.jpg
Giá nhung năm nay tăng cao, nhờ vậy mà người chăn nuôi có thêm thu nhập.

Vươn lên làm giàu

Gia đình chị Đặng Thị Hiền (trú tại thôn Hà Sơn, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) hiện đang nuôi 17 con hươu, trong đó có 11 con hươu đực. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên năm nay, gia đình thu hoạch được khoảng 9kg nhung trị giá trên 100 triệu đồng.

Cũng như gia đình chị Hiền, năm nay người chăn nuôi hươu sao xã Quang Diệm rất phấn khởi vì nhung hươu được mùa, được giá. Hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi hươu đang là lựa chọn của nhiều người dân ở xã Quang Diệm để phát triển kinh tế gia đình.

“Ngày hái lộc cũng là ngày vui nhất của các hộ dân chăn nuôi hươu vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc thu về thành quả lao động. Điều vui hơn cả là giá nhung năm nay khá cao, nhờ vậy mà người chăn nuôi có thêm thu nhập”, chị Hiền cười nói.

Là một trong những hộ nuôi nhiều hươu ở xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn), ông Nguyễn Văn Luận (61 tuổi) chia sẻ, nhờ nuôi hươu, gia đình ông đã trở nên khấm khá hơn khi mua được xe mới, có của ăn của để. Nhắc đến nghề nuôi hươu, ông Luận tươi cười khi những năm gần đây giá hươu tăng, nhung hươu được nhiều người tin dùng nên người dân rất phấn khởi.

Trước đây, nhung hươu thường xay nhỏ, hoặc sấy khô tán bột để nấu cháo hoặc thái nhỏ ngâm rượu. Nay người dân Hương Sơn đã chế biến ra nhiều sản phẩm từ nhung hươu mang tính tinh chế và tiện lợi hơn, như nhung hươu bột ở dạng hòa tan, cao nhung hươu, cao đế hươu... Nhiều sản phẩm trong đó đã có thương hiệu và được đăng ký sản phẩm OCOP.

a2.jpg
Để cắt nhung phải nhờ người cùng giúp sức.

Theo Đông y, nhung hươu có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, đặc biệt tốt với người già, người mới ốm dậy, người có thể trạng yếu, trẻ em còi cọc và phụ nữ sau sinh.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện hiện có đàn hươu hơn 44.500 con, đây cũng là sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương giúp bà con có nguồn thu nhập tốt, ổn định cuộc sống.

“Huyện xác định chăn nuôi là trọng điểm trong phát triển kinh tế, trong đó nuôi hươu là chủ lực, vì vậy có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát triển đàn hươu.

Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đang đầu tư chương trình tuyển chọn 100 con hươu đực giống khỏe mạnh ở Hương Sơn để phối giống nhằm bảo tồn, duy trì nâng cao chất lượng, giảm thiểu hiện tượng đồng huyết gây suy thoái đàn với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/con/năm”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2024, dự kiến sẽ có khoảng 21.000 hươu cho nhung với sản lượng khoảng hơn 18,9 tấn. Với giá bán giao động từ 10 - 11 triệu đồng/kg, toàn huyện ước tính sẽ thu được gần 200 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh kế nhờ ‘lộc vàng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO