Khi nghĩ đến những người cầm tinh con Mèo, không hiểu sao tôi luôn nghĩ tới 3 người cùng cầm tinh Mèo, cùng sinh năm 1975 – thế hệ những người sinh ra vào đúng năm thống nhất đất nước và cùng rất nổi tiếng: Chuyên gia Nguyễn Tử Quảng, nhà văn Đỗ Bích Thúy và ca sĩ Mỹ Linh.
Chuyên gia Nguyễn Tử Quảng: Người mang khát vọng “made in” Việt Nam
Bỏ qua biệt danh Quảng “nổ” được cộng đồng mạng xã hội đôi khi vì vừa cả quý mến, vừa hơi có chút giễu nhại về những phát ngôn của anh, thì Nguyễn Tử Quảng vẫn là chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Trong đó Quảng nổi danh rất sớm ở chuyên ngành của anh là an ninh mạng khi vào năm 1995, lúc mới đang là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh đã thực hiện thành công các chương trình chống virus cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng. Các thầy cô ở Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đến giờ vẫn nhắc đến Nguyễn Tử Quảng những năm tháng học phổ thông, Quảng đã bộc lộ những tố chất rất đặc biệt.
Khi phần mềm diệt virus của Quảng được đưa ra thị trường, Nguyễn Tử Quảng trở thành doanh nhân khi anh ngồi ghế Tổng giám đốc Bkav. Ngoài lĩnh vực an ninh mạng, Bkav trong nhiều năm liên tiếp đưa ra nhiều sản phẩm smart phone. Cho dù các sản phẩm này vẫn chưa được thị trường trong nước ưa chuộng và vẫn chưa đủ sức cạnh tranh được với các thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực smart phone, thì đó vẫn là những sản phẩm công nghệ mang khát vọng của người Việt Nam. Hoặc nói như Nguyễn Tử Quảng từng tâm sự: Ở đây, chúng tôi giải quyết hai định kiến. Một là, Việt Nam có thể làm smartphone hay không? Và hai là, nếu làm thì chất lượng sẽ như thế nào? Câu trả lời của Bkav rất rõ ràng: Việt Nam có thể làm smartphone, và chúng ta hoàn toàn có thể làm sản phẩm cao cấp. Không dừng lại, lĩnh vực Nguyễn Tử Quảng đang quan tâm là trí tuệ nhân tạo (AI). Mới đây nhất, trong năm 2022, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã giao cho Nguyễn Tử Quảng trọng trách giữ chức Chủ tịch Ủy ban phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Sẽ còn phải chờ để Nguyễn Tử Quảng “nổ” tiếp, với mong muốn của chính anh: Nếu có thể làm chủ ngành công nghiệp smart phone, Việt Nam có thể trở thành một cường quốc.
Diva Mỹ Linh: Sự nghiệp rực rỡ
Khi nói về Mỹ Linh, người ta luôn nghĩ tới sự tròn đầy. Một sự nghiệp âm nhạc khá lớn, một giọng ca đẹp vào bậc nhất trong số các ca sĩ đương đại, một tâm hồn tràn đầy cảm xúc và một người được đào tạo bài bản, luôn cư xử rất có văn hóa. Cuối cùng là một gia đình viên mãn.
Về âm nhạc, người ta gọi cô là nghệ sĩ V-pop bán đĩa nhạc chạy nhất mọi thời đại của Việt Nam khi có doanh số hơn 2 triệu bản thu âm trên toàn quốc. Nhưng với đại đa số công chúng, Mỹ Linh nổi tiếng với những màn trình diễn giọng hát nội lực và kĩ thuật ở nhiều dòng nhạc. Cô sở hữu hàng loạt bản hit làm mưa làm gió thập niên 1990. Tháng 10 năm 1993, Mỹ Linh cùng ban nhạc Hoa Sữa tham gia Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc và đoạt giải nhì cùng với giải “Ca sĩ trẻ gây ấn tượng nhất liên hoan” với bài “Thì thầm mùa xuân” (của nhạc sĩ Ngọc Châu). Sau cuộc thi đó, cô bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp và “Thì thầm mùa xuân” cũng trở thành hit đầu tiên của cô. Sau đó Mỹ Linh tiếp tục thành công với “Chị tôi” (Nhạc: Trọng Đài, thơ: Đoàn Thị Tảo), “Trên đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương) và “Hà Nội đêm trở gió” (Trọng Đài) vào năm 1997.
“Với những bài xã hội, hoặc rất xì tin chẳng hạn như “Trái tim không ngủ yên”, Mỹ Linh như kẻ đặt dấu chấm hết. Không ai có thể hát vượt qua nổi hoặc chấp nhận chỉ là cái bóng của Linh mà thôi.” (nhạc sĩ Bảo Chấn)
Khi đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng là người biên tập cho một album dưới dạng băng video ca nhạc do hãng phim Phương Nam thực hiện có tên là “Tiếng hát Mỹ Linh”. Điều này cho thấy sức nóng của giọng ca Mỹ Linh vào thời điểm ấy, khi mà việc thực hiện băng video ca nhạc hoàn toàn do hãng phim lựa chọn, nó khác với các album ca nhạc sau này thường phải do chính ca sĩ tự thực hiện hoặc tự tìm kiếm đối tác.
Nhưng, đỉnh cao của giọng ca Mỹ Linh lại là khi cô bắt đầu gặp nhạc sĩ Anh Quân. Năm 1998, album Tóc ngắn, sản phẩm đầu tiên của cô hợp tác với ban nhạc Anh Em của nhạc sĩ Anh Quân ra đời được ví như một cú hích mạnh với thị trường nhạc nhẹ với sự trẻ trung, chất lượng và gần gũi với thẩm mỹ công chúng. Hàng loạt bài trong album là những bài hit đình đám của Mỹ Linh: Tóc ngắn, Hương ngọc lan, Chuyện tình, Trưa vắng… Cộng với các bản hit trước đó, Mỹ Linh làm chủ hoàn toàn sân khấu và thị trường ca nhạc những năm tháng đó, ở đâu cũng bắt gặp giọng hát Mỹ Linh. Người ta nghe nhạc Mỹ Linh ở khắp nơi, loa phường cũng phát “Hà Nội đêm trở gió” và “Trên đỉnh Phù Vân” qua giọng Mỹ Linh như bài Yên Tử ca suốt mấy mùa lễ hội. Album Tóc ngắn bán được tới 200 nghìn bản và trở thành một trong những album bán chạy nhất lịch sử nền âm nhạc Việt Nam.
Cũng khoảng thời gian đó liveshow Mỹ Linh và Anh Em diễn ra 3 đêm liền ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, đêm nào cũng chật kín khán phòng và có thể đánh giá đó là thời điểm thăng hoa nhất trong sự nghiệp ca nhạc của Mỹ Linh, xứng đáng với danh hiệu Diva không lâu sau được truyền thông tôn vinh.
Sau này, Mỹ Linh vẫn tiếp tục có nhiều sáng tạo với các album Vẫn mãi mong chờ (2000), Made in Vietnam (2003), Chat với Mozart (2005), Để tình yêu hát (2006) và Tóc ngắn Acoustic: Một ngày (2011)… Cho đến nay, Mỹ Linh đã từng có 14 album, là chủ nhân của 4 giải Cống hiến, là người tiên phong với dòng nhạc R&B và mở đường cho phong cách âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Những năm gần đây, Mỹ Linh ít tham gia biểu diễn, cô tham gia các gameshow truyền hình và làm công việc giảng dạy. Đặc biệt, từ năm 2014, cô và ban nhạc Anh Em đã thành lập Trung tâm đào tạo âm nhạc The Rock & Pop Academy – Hanoi.
Có thể nói, Mỹ Linh là nghệ sĩ có độ phủ sóng lớn nhất trong vòng 30 năm qua của làng nhạc Việt. Nói như nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ: “Hát mãnh liệt và đầy cảm xúc. Mặc dù học khoa thanh nhạc nhưng Linh không mất đi chất giọng tự nhiên. Điều đáng khâm phục nhất của Linh là cô dám từ bỏ những ca khúc phổ thông để dấn thân vào con đường riêng của mình với phong cách Funk, R’nB, Soul, dù cô biết chắc đó là con đường chông gai hơn, khó khăn hơn.”
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi giống mèo nhất ở chỗ thích làm dáng
Nhà văn Đỗ Bích Thuý - người nổi tiếng với các truyện ngắn và tiểu thuyết có bối cảnh là vùng cao phía Bắc như Tiếng đàn môi bên bờ rào đá, Chúa đất… chia sẻ về một năm có nhiều duyên nợ với điện ảnh và cảm xúc về một năm Mèo đang đến.
PV: Năm 2022 có thể nói là năm thành công của chị với điện ảnh, khi tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, phim Phượng cháy, mà chị là tác giả kịch bản, được trình chiếu, đồng thời dự án phim Chúa đất (kịch bản: Đỗ Bích Thuý, Đạo diễn: Đỗ Thanh Sơn) đã đạt giải nhất trong chương trình Chợ Dự án phim HANIFF 2022. Chị đón nhận những thông tin này như thế nào?
Nhà văn Đỗ Bích Thuý: Tôi rất vui. Thật lòng thế. Tôi nghĩ, bấy lâu mình cứ cắm cúi làm việc như vậy, việc gì đến tay cũng làm, cơ hội nào đến cũng tận dụng, lúc nào cũng hết sức cố gắng, thì cuối cùng cũng đạt được một chút gì đó. Nhưng nhiều hơn niềm vui ấy là một thứ gì đó giống như năng lượng, giống như có ai đó khích lệ để mình đi tiếp vậy. Cái đó quan trọng lắm.
Điện ảnh là ngã rẽ tình cờ hay là một con đường có chủ đích của chị?
- Thực ra thì kể cả văn chương tôi cũng không có chủ đích đâu, không nhằm tới một cái gì cụ thể cả. Tôi cứ làm những việc mình thích, đơn giản như vậy thôi. Nhưng tôi nghĩ là với một người viết văn, việc có rẽ sang điện ảnh hay không nó như kiểu có cái “số” ấy (cười).
Tôi thì có vẻ như có cái “số” này từ sớm, ngay sau khi đoạt giải ở Văn nghệ Quân đội. Kịch bản phim đầu tiên mà tôi viết chính là chuyển thể từ truyện ngắn Sau những mùa trăng, phim này được phát trên Điện ảnh chiều thứ Bảy của VTV. Sau đó mới đến Chuyện của Pao (chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – pv). Nói chung thì tôi thích viết kịch bản phim, dù là điện ảnh hay truyền hình. Bởi vì cái cảm giác lúc nhìn thấy nhân vật tưởng tượng của mình hiển hiện trên màn ảnh, diễn xuất, nói năng... y như mình hình dung khi ngồi đối diện với máy tính, nó đặc biệt lắm. Xúc động ghê gớm luôn ấy.
Vừa rồi trên trang cá nhân chị có tả cảm xúc hồi hộp khi bước vào rạp xem phim Phượng Cháy, cái hồi có phim Chuyện của Pao, cảm xúc của chị thế nào?
- Cũng vậy thôi. Và tôi nghĩ là với bất kì phim nào mà mình viết kịch bản sau này, cho dù có đến bộ phim thứ 10 đi nữa, tôi cũng sẽ vẫn hồi hộp y như vậy. Hồi hộp, căng thẳng, một chút áp lực nữa. Nhưng tôi cũng hay chuẩn bị tinh thần trước khi xem, kiểu như nếu nó không như mình mong muốn, nếu như quan điểm của đạo diễn và mình không trùng khít, nếu như cách xử lý của đạo diễn khiến mình không đồng tình v.v, thì mình cũng không... buồn quá. Tôi luôn tâm niệm, ai có việc nấy, ai có tư duy, cảm xúc nấy, nên tôn trọng nhau thì hơn.
Có bao giờ chị đã từng nghĩ nếu mình viết kịch bản Chuyện của Pao sẽ khác?
- Có chứ. Tất nhiên rồi (cười). Tôi có góc nhìn, quan điểm, cảm xúc của tôi mà.
Chuyện của Pao đã đóng góp cho Hà Giang một điểm đến du lịch với ngôi nhà từng là bối cảnh quay phim Chuyện của Pao. Chị có thể chia sẻ thêm gì về dự án phim Chúa Đất mà chị viết kịch bản?
- Hiện thì chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể vì đơn vị sản xuất vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Nhưng tôi và đạo diễn đều mong muốn có thể mượn di tích Nhà Vương ở Sà Phìn, Đồng Văn làm bối cảnh chính. Chúng tôi cũng đã đến gặp người sở hữu khu di tích ấy - là một trong những hậu duệ của ông Vương Chính Đức. Rất vui là anh ấy đồng ý sẽ tạo điều kiện hết mức để bọn tôi có thể thực hiện được dự án này.
Tôi thực sự rất hi vọng vào phim Chúa đất. Chúa đất là cuốn tiểu thuyết nhiều chất điện ảnh nhất của tôi, một câu chuyện thực sự điện ảnh. À cũng vì vốn dĩ nó là một đề cương kịch bản điện ảnh trước khi tôi viết tiểu thuyết mà.
Nói thật là giữa điện ảnh và văn học, chị thấy cái gì hấp dẫn hơn?
- Nếu ở tư cách một người viết thì văn chương hấp dẫn tôi hơn chứ. Tôi là người của văn chương mà. Sự khác biệt lớn nhất giữa văn học và điện ảnh là: Mỗi cuốn sách là một tác phẩm độc lập còn mỗi bộ phim là tác phẩm của một tập thể. Sự độc lập trong lao động sẽ mang đến một thứ hạnh phúc độc lập, và tôi thích điều đó hơn. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, điện ảnh lại mang tới một hứng thú khác mà văn chương không thể có được.
Là nhà văn cầm tinh con mèo thì chị thấy mình có đặc điểm gì nổi bật?
- Tôi chẳng có gì nổi bật cả. Nhưng nếu nói tính cách giống mèo thì tôi là người cẩn thận, bề ngoài trông hiền hiền nhưng cũng có chút nóng nảy. Giờ lớn tuổi nên hiếm khi nóng nảy chứ hồi trẻ tôi nóng tính lắm. Hình như trông tôi còn hơi lạnh lạnh nữa, kiểu người cũng hơi khó gần, là các bạn tôi nói thế. À tôi cũng là người nguyên tắc nữa. Tôi có những nguyên tắc riêng, giới hạn riêng mà dù thế nào cũng không đi quá. Tôi nghĩ mèo cũng vậy.
À một chút nữa, tôi thấy tôi giống mèo nhất phải là ở chỗ thích làm dáng, thích mọi thứ đẹp đẽ. Chị cho phép tôi cười to một chút vì tôi thấy đặc điểm này buồn cười lắm. Con mèo sáng nào ngủ dậy nó cũng rửa mặt rất kĩ, chải chuốt rất kĩ, thiếu soi gương thôi (cười).
Thường vào những năm tuổi chị hay có thói quen làm gì?
- Tôi chẳng nhớ 12 năm trước mình làm gì. 24 năm trước thì càng không nhớ vì lúc còn trẻ người ta chẳng để ý đến tuổi đâu. Người ta còn quá nhiều thời gian mà. Năm nay thì tôi cũng chưa định làm gì, nhưng tôi có đặt mua một món đồ mĩ thuật của một hoạ sĩ trẻ. Bạn ấy mới đang thực hiện chứ chưa xong. Trong đó có mèo và cá. Thú vị nhất là con cá thì rất to còn con mèo lại rất bé. Tôi không biết thông điệp của bạn ấy là gì, nhưng nhìn vào thì tôi nghĩ rằng, sống trong cuộc đời này người ta nên biết lượng sức mình. Biết mình là ai. Mèo mà gặp cá to quá thì cũng chỉ nên đứng hiền hoà ngắm nhìn và mỉm cười thôi (cười).
Dự định của chị vào năm mới Quý Mão, nhất là với điện ảnh?
- Tôi chưa thể nói được là mình sẽ làm gì. Còn với điện ảnh như tôi nói ở trên, đó không phải là việc mà tôi hay bất kì ai có thể làm một mình, nên dự định nào thì cũng khó mà nói trước được. Nhưng tôi sẽ thực hiện ngay lập tức bất cứ dự án nào khi đến lúc phải làm.
Xin cảm ơn nhà văn Đỗ Bích Thuý!