Sinh viên nghề khởi nghiệp: Nhiều ý tưởng mang tính ứng dụng cao

Lâm An 29/11/2022 06:55

Nhiều dự án từ cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” - Startup Kite 2022 đã chinh phục ban giám khảo và các thầy cô, bạn bè bởi tính đổi mới, sáng tạo, tính khả thi trong thực tế.

Nhóm sinh viên Trường CĐ Công thương TPHCM giới thiệu ứng dụng dự án “Máy đo huyết áp GAC”. Ảnh: Thanh Vũ.

Khởi nghiệp từ ghế nhà trường

Là một trong những sản phẩm ứng dụng công nghệ số tham gia cuộc thi năm nay, dự án Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông của nhóm tác giả đến từ Trường cao đẳng (CĐ) Lý Tự Trọng TP HCM được ban giám khảo đánh giá cao bởi nhiều yếu tố. Em Lâm Võ Hữu Duy, một trong bốn thành viên của dự án cho biết mục tiêu của dự án là hỗ trợ các nhân viên kỹ thuật dễ dàng theo dõi các tình trạng của trạm từ nơi xa để kịp thời xử lý các sự cố trong trạm viễn thông. Thứ hai là hỗ trợ các công ty, hộ gia đình muốn theo dõi tình trạng khói gas,... trong công ty và trong nhà. Sản phẩm có cảm biến lửa, cảm biến khói, tắt mở đèn từ xa, tắt mở quạt, đóng cửa thông qua ứng dụng trên điện thoại từ xa… Hiện nhóm đã lập trình trên ứng dụng để cài đặt trên điện thoại di động và có thể cảnh báo bằng giọng nói, hình ảnh, và camera xem trực tiếp giúp cho việc giám sát và điều khiển trạm viễn thông từ xa được thuận tiện 24/7.

“Sản phẩm có 4 tính năng, lợi thế là điều khiển giám sát thông qua ứng dụng trên điện thoại, điều khiển giám sát được thông qua mức độ tiêu thụ năng lượng của máy lạnh, kiểm tra bình ắc quy cũng như cảnh báo an ninh, nhiệt độ, độ ẩm. Điều đặc biệt là sản phẩm có giá chỉ 6 triệu đồng so với những sản phẩm khác cùng tính năng trên thị trường” - đại diện nhóm tác giả cho hay.

Không chỉ nằm trên giấy, sản phẩm Smartsite đã có 2 nguồn khách hàng chính là phân phối qua một công ty và phân phối lẻ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và đem lại lợi nhuận từ năm đầu tiên hoạt động.

Về bài toán chi phí cụ thể, nhóm dự án cho biết, nếu 100 sản phẩm bán ra mỗi tháng với 4 nhân viên kỹ thuật, tổng sản lượng bán ra vào năm 2023 là 1.200 sản phẩm, trong đó qua kênh công ty là 1.000 sản phẩm chia thành 2 đợt. Doanh thu dự kiến năm 2023 là khoảng 7,2 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến là hơn 2 tỷ đồng. Nhóm dự kiến nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 970 triệu đồng và nguồn vốn cần để khởi nghiệp là gần 2,2 tỷ đồng. Như vậy, nhóm cần nhà đầu tư góp vốn và dự định chia 40% cho nhà đầu tư. Nhóm cũng đưa ra các ý tưởng mở rộng thị trường trong tương lai như Smart home, Smart city…

Đánh giá cao ý tưởng của nhóm tác giả, các thành viên ban giám khảo cho rằng sản phẩm mang tính xã hội cao khi cảnh báo được các rủi ro có thể xảy ra. Đây cũng đồng thời là điểm mới, sáng tạo của sản phẩm so với nhiều ứng dụng Smart phone khác đang có trên thị trường.

Dự án đạt giải Nhất năm nay là Máy đo huyết áp GAC đến từ nhóm sinh viên Trường CĐ Công thương TPHCM. Xuất phát từ thực tế hiện nay đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mỗi người hàng ngày nên các thành viên trong nhóm đã có ý tưởng và triển khai thành sản phẩm cụ thể dưới sự hướng dẫn, tư vấn của thầy cô trong trường. Sản phẩm khi sử dụng sẽ được tự động kết nối với app trên điện thoại. Ưu điểm của sản phẩm đó là giá thành thấp, thiết kế nhỏ gọn tinh tế, không đưa chất thải độc hại ra môi trường, không tốn chi phí sử dụng do sử dụng nguồn điện từ pin điện thoại, khi phát hiện huyết áp cao đưa ra gợi ý đến cơ sở y tế gần nhất, tự động gọi cho người thân khi có bất thường về sức khỏe,… Chỉ với 300 nghìn đồng một máy đo huyết áp gia đình nào cũng cần có trong nhà, sản phẩm đã chinh phục ban giám khảo và tất cả những đại biểu có mặt ngay tại hội trường khi các thành viên trong đội dự án thực hiện việc đo huyết áp cho một số đại biểu một cách chính xác và đưa ra những cảnh báo cần thiết với sức khỏe từng người.

Những ý tưởng hút vốn

Ở năm thứ 3 tổ chức, Startup Kite 2022 đã ghi nhận 1.512ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên GDNN. Tổ chức từ tháng 5/2022 đến nay, trải qua 3 vòng thi: Vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết, 80 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất toàn quốc đã vào chung kết và chọn ra 37 dự án để trao giải. Đây đều là những dự án mang tính khả thi cao, thậm chí đã được triển khai trong thực tiễn với hàng trăm sản phẩm được bán ra trước khi tham dự cuộc thi.

Thậm chí, ngay trước giờ bế mạc Startup Kite 2022, dự án “Máy đo huyết áp” đã kêu gọi đầu tư được 800 triệu đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp. Dự kiến ngay sau khi cuộc thi khép lại, nhóm sinh viên sẽ bắt tay ngay vào việc hoàn thiện và sản xuất sản phẩm. Dự án Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông cũng đã kêu gọi đầu tư 1 tỷ đồng và 1.000 sản phẩm đã được đặt sản xuất trước đó. Dự án của nhóm sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum và Trường CĐ Long An cũng được đầu tư lần lượt 400 triệu đồng và 300 triệu đồng.

Đúng như tinh thần của cuộc thi đó là vừa tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên, qua đó giúp thay đổi nhận thức xã hội về học nghề, cuộc thi đã thúc đẩy các bạn trẻ tự tin vào GDNN để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước. Những bài học GDNN không chỉ là lý thuyết mà đã được thầy cô, sinh viên triển khai ứng dụng vào thực tế với những thiết bị tự làm, những dự án khởi nghiệp có thể thành công hoặc đang chập chững những bước khởi đầu cũng đều rất đáng hoan nghênh bởi đó chính là hướng nghiệp thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên nghề khởi nghiệp: Nhiều ý tưởng mang tính ứng dụng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO