Chỉ trong vòng 2 ngày, diện tích sò chết từ 12 ha đã tăng lên 24,2 ha. 15 hộ nuôi sò tự nhiên ở xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang phải đối mặt với tình trạng trắng tay trong vụ thu hoạch sò năm nay.
Người dân tận dụng bãi triều để nuôi, kiếm thêm thu nhập nhưng không ngờ sò lại chết nhiều như vậy.
Vợ chồng ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi, ở xóm 2, xã Cẩm Lĩnh) có thâm niên nuôi sò tới 11 năm nhưng chưa khi nào ông thấy sò chết nhiều như năm nay, tỷ lệ sò chết khoảng 80%. Cả vốn lẫn lãi và công chăm sóc của đôi vợ chồng già đã trôi theo sò.
“Giá sò lát, sò trắng bán lúc này rất được giá, mỗi kg được 40 nghìn đồng, nhưng giờ chết hết nên thất thu nặng. Tính ra vụ sò năm nay vợ chồng tôi mất tới hơn 120 triệu đồng”, ông Dũng ngao ngán nói.
Chưa khi nào ông Phạm Ngọc Dũng thấy sò chết nhiều như năm nay.
Sò chết không được thu hoạch đã đành, ngư dân còn phải thuê nhân công nhặt sò, dọn bãi nên thiệt hại còn nặng nề hơn. Từ khi sò chết đến nay, ngày nào ông Dũng cũng phải thuê 5-6 người dọn, tiền công thuê người cũng lên tới hơn 10 triệu đồng.
Nước triều rút, người dân đội nắng, cả trưa ra bãi dọn sò chết.
Tại khu vực bãi triều Cồn Vạn của xã Cẩm Lĩnh hiện có 12 ha với 9 hộ nuôi sò, nguy cơ mất trắng. Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch xã Cẩm Lĩnh cho biết: Các bãi nuôi thả sò, đa số các hộ nuôi đều chết rất nhiều, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu mỗi hộ. Nguyên nhân ban đầu khiến sò chết được cho là thời tiết thay đổi đột ngột trong thời điểm giao mùa. Xã đã báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện về lấy mẫu kiểm tra ", ông Lam nói.
Công chăm sóc mấy tháng trời nay phải đổ đi.
Tại Cẩm Lộc, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên thì đến nay có 12,2 ha với 6 hộ nuôi cũng có hiện tượng sò chết trắng bãi.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: Nguyên nhân chính xác khiến sò chết hàng loạt tại xã Cẩm Lộc và Cẩm Lĩnh thì đang chờ kết quả phân tích từ Cục thú y vùng III (Nghệ An). Nhưng qua kiểm tra ban đầu, cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện nhận định, hiện tượng sò chết trên những vùng nuôi này là do thay đổi môi trường trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, bị sốc nước.
Nếu không nhặt sò chết, dọn bãi sẽ lây lan sang các vùng khác.
Cũng theo ông Hà, đến thời điểm hiện tại, diện tích sò chết trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên khoảng 24,2 ha, trong đó Cẩm Lĩnh 12 ha (9 hộ nuôi), Cẩm Lộc 12,2 ha (6 hộ). Tỷ lệ sò chết chiếm khoảng 75-80%.
Những hộ dân nuôi sò này hầu hết đều nuôi tự nhiên, tận dụng bãi triều để nuôi nên việc quản lý rất khó. Ngay cả con giống cũng chưa có chỗ cung cấp tập trung mà phải mua từ các thuyền dạ cào nên chất lượng giống không đảm bảo.
Hàng chục nhân công được thuê để nhặt sò chết.
Phòng NNPTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên đã có văn bản cũng như trực tiếp về hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý bãi nuôi khi sò chết. Hối thúc người dân khẩn trương thu dọn sò chết, đưa về bãi xử lý, tránh tình trạng lây lan sang các vũng nuôi khác.