Số hóa để ngành chăn nuôi bứt phá

An Bình 31/07/2023 08:30

Chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, không đánh đổi môi trường, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi... đó là yếu tố quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến.

Sản lượng thịt đạt 7 triệu tấn

Thời gian qua ngành chăn nuôi đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

Số liệu thống kê cho biết, tổng sản lượng chăn nuôi của Việt Nam năm 2022 trị giá khoảng 21 tỷ USD, tăng 5-6% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường Việt Nam được dự đoán sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng lên 28 - 30 triệu tấn mỗi năm, với chi phí 12-13 tỷ USD trong 5 năm tới.

Đáng chú ý, sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng trưởng 13-15% hàng năm, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất lớn thứ 10 trên thế giới và lớn nhất trong Đông Nam Á. Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có sản lượng thịt lợn cao nhất toàn cầu, với hơn 4,19 tỷ tấn được sản xuất vào năm 2021. Hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam sản xuất và tiêu thụ rất nhiều loại sản phẩm, bao gồm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thịt bò và sữa.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển ấn tượng cả về số lượng và chất lượng, chiếm tỷ trọng tới 27% trong nông nghiệp. Đến nay sản lượng thịt đã đạt hơn 7 triệu tấn, trứng ước đạt 19 tỷ quả, sữa tươi 1,2 triệu tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng nói trên, thì ngành chăn nuôi cũng đối diện không ít thách thức. Trong đó phải kể đến chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65 - 70%), chưa kể chi phí thuốc thú y, cùng với đó là các loại dịch bệnh hoành hành… đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Chú trọng ứng dụng công nghệ

Cũng khẳng định ngành chăn nuôi đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho hay, việc xuất hiện ngày càng nhiều các loại dịch bệnh nguy hiểm đang khiến các hộ chăn nuôi chịu nhiều tổn thương. Bên cạnh đó, những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi và kinh tế chia sẻ đặt ra những thách thức lớn cho ngành chăn nuôi toàn cầu nói chung, và cũng tạo ra áp lực lớn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng.

Trước những khó khăn đối với ngành chăn nuôi, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, giảm nguy cơ dịch bệnh, từ đó cạnh tranh được trong thị trường mở, đặc biệt với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như trang trại.

Cùng với đó, chăn nuôi phải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, không đánh đổi môi trường. Đây cũng là trách nhiệm của ngành nhằm thực hiện mục tiêu cam kết COP 26. Mặt khác, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chuồng trại, thiết bị chăn nuôi để chúng ta tiệm cận được với thế giới và khu vực.

Ngành chăn nuôi muốn tiếp tục phát triển và hội nhập, cần tiếp cận được với các giải pháp công nghệ hiện đại. Chỉ có công nghệ mới có thể giúp chăn nuôi Việt Nam xử lý được những thách thức hiện hữu cũng như sự đòi hỏi ngày càng cao của vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái và vấn đề đối xử nhân đạo với vật nuôi...

Giới chuyên gia khuyến cáo, ngành chăn nuôi cần tập trung đẩy mạnh giảm giá thành trong sản xuất. Trong thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi đã làm hết sức mình, tìm mọi cách để giảm giá thành. Nhưng trong bối cảnh giá xuất chuồng các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp, cần phải tiếp tục nghiên cứu để giảm giá thành thêm nữa. Chẳng hạn, ở một số yếu tố đầu vào mà người chăn nuôi chưa thể chủ động được và đang lệ thuộc bên ngoài, thì phải liên kết lại để giảm giá mua. Ví dụ, những người chăn nuôi chưa chủ động được con giống, chưa chủ động được thức ăn chăn nuôi … thì có thể liên kết lại để cùng mua giống, mua thức ăn với số lượng lớn nhằm có giá rẻ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa để ngành chăn nuôi bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO