Chuyển đổi số không làm giáo viên mệt mỏi hơn mà phải làm họ hạnh phúc hơn. Với mục tiêu này, Bộ GDĐT xác định chuyển đổi số trong giáo dục, cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là thay đổi trong dạy - học, kiểm tra đánh giá.
Lợi ích từ chuyển đổi số
Thực tế hiện nay việc kiểm tra đánh giá vẫn theo cách thức truyền thống, đó là giáo viên ra đề, tổ chức thi, chấm bài... Đây là một khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt với thầy cô nào dạy nhiều lớp.
Do đó, định hướng chuyển đổi số trong kiểm tra đánh giá mà Bộ GDĐT hướng tới là tăng cường hình thức đánh giá trực tuyến (đối với các bài kiểm tra thường xuyên) và tăng cường thi trên máy tính (đối với các bài thi định kỳ). “Tới đây, giáo dục phổ thông sẽ phải quyết tâm, quyết liệt làm việc này. Nếu làm được thi định kỳ trên máy tính, lợi ích sẽ rất lớn. Thứ nhất, là công khai, minh bạch khi chất lượng đề thi cùng mặt bằng, việc chấm thi do máy và không có tác động của con người. Từ đó nâng cao chất lượng việc đánh giá. Thứ hai, là giảm rất nhiều áp lực, công việc cho các thầy cô khi thực hiện việc này. Điểm số sau khi học sinh thi xong cũng có thể tự động cập nhật vào phần mềm quản lý” - ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) nhấn mạnh.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ban đầu khi triển khai chuyển đổi số, cụ thể là dạy học trực tuyến, giáo án điện tử, học bạ điện tử… một số giáo viên cảm thấy khá khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn, làm quen, học hỏi và thực hành thì đến nay các giáo viên đã khai thác, sử dụng rất tốt những công cụ này. “Giáo viên hiện nay rất hào hứng. Họ thấy rằng áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số không phải là nhiệm vụ cấp trên ép xuống nữa mà là quyền lợi của giáo viên” - ông Thuận nói và chia sẻ những lợi ích thiết thực mà quá trình này đem lại, đơn cử, khi xây dựng kho học liệu số dùng chung, các sáng kiến kinh nghiệm, các đề kiểm tra, đáp án, các giáo án… đều phải công khai. Gần 4.000 giáo viên trong quận có thể tham khảo đề kiểm tra của các trường bạn được công khai tại đây. Như vậy, rõ ràng sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều thời gian cho giáo viên để tập trung phát triển chuyên môn, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Xây dựng kho học liệu mở
Thực tế cho thấy, ngành giáo dục đang “hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi giáo dục ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số trở thành giải pháp đúng đắn để giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Hiện Bộ GDĐT đã xây dựng được kho học liệu số dùng chung với hơn 7.000 bài giảng e-learning và video bài giảng, trong đó, cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning đóng góp 42.000 sản phẩm. Nhiều sản phẩm trong số đó đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định là các chuyên gia, các thầy cô giáo. Do được xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, học sinh ngừng đến trường phải học online nên đây là nhiệm vụ cấp bách, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và đã trở thành một công cụ quan trọng trong dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, đây vẫn đang là kho học liệu mở nên phần chất lượng cũng chưa phải tất cả đều đã được chọn lọc và chưa hoàn thiện đầy đủ, chất lượng nhiều tài nguyên số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục số hóa các bài giảng và có quy trình thẩm định chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, toàn bộ bản điện tử của các bộ sách giáo khoa phổ thông đã được cập nhật, số hóa để mọi học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể dễ dàng tham khảo mọi lúc, mọi nơi.
Mặc dù có nhiều thuận lợi và những tín hiệu tích cực như vậy song ngành giáo dục cũng đang phải đối mặt với thách thức về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị công nghệ thông tin ở các nhà trường, trang thiết bị cho giáo viên, học sinh. Đặc biệt ở những khu vực miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống còn nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực chưa thực sự hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, trong năm 2023, ngành giáo dục phấn đấu hoàn thiện toàn bộ cơ sở dữ liệu cũng như hoàn chỉnh các vấn đề về chuyển trường của học sinh, giáo viên, chữ ký điện tử, hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ cũng sẽ xây dựng kho học liệu cho các cấp học, xây dựng hệ thông bài giảng, tài liệu để phục vụ cho học sinh tự học và thầy cô tham khảo… thông qua hàng loạt giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số.