Văn hóa

Số hóa nghệ thuật: Cơ hội và giới hạn

Phạm Sỹ 09/07/2025 09:52

Việc ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn không chỉ là xu thế, mà còn là cơ hội để nghệ thuật Việt Nam bắt nhịp với thời đại, tiếp cận nhiều tầng lớp khán giả mới. Tuy nhiên, sự kết hợp này chỉ phát huy hiệu quả khi nghệ thuật vẫn giữ được bản sắc và chiều sâu cảm xúc...

Khi công nghệ tăng cường

Công nghệ 4.0 đang dần hiện diện rõ nét trong đời sống nghệ thuật, nhất là trong các chương trình biểu diễn quy mô lớn, tổ chức tại khu vực trung tâm văn hóa, khu vui chơi giải trí công nghệ cao. Trình diễn đa phương tiện trở thành xu hướng sáng tạo nổi bật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp số, mở ra không gian thể nghiệm mới cho các nghệ sĩ.

Một số nhà hát như Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ... đã mạnh dạn tích hợp công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình LED, hiệu ứng ánh sáng thông minh để nâng tầm trải nghiệm thị giác cho khán giả.

Anh bai nghe thuat bieu dien
Ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn là xu thế không thể thay đổi. Ảnh: P. Sỹ

Đáng chú ý, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, múa đương đại và sân khấu thử nghiệm những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để sáng tạo các sản phẩm biểu diễn mang tính tương tác cao. Từ đạo cụ ảo đến không gian sân khấu ảo hóa, sự xuất hiện của công nghệ đang làm thay đổi cách nghệ thuật được tạo ra và thưởng thức.

Không chỉ dừng ở biểu diễn, xu hướng số hóa còn mở rộng sang lĩnh vực bảo tồn và lưu trữ di sản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang triển khai chương trình số hóa các trích đoạn sân khấu kinh điển, xây dựng ngân hàng dữ liệu số dành cho nghệ thuật biểu diễn. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường số, đồng thời tạo nguồn tư liệu quý phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

TS Trần Thị Minh Thu - Trưởng ban Nghiên cứu nghệ thuật - Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho biết, công nghệ 4.0 đã tạo sự thay đổi và phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mở ra nhiều cơ hội mới cho sáng tạo, sản xuất, phân phối và trải nghiệm nghệ thuật. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và công nghệ 4.0 đã cho ra đời những sản phẩm và trải nghiệm độc đáo, mang tính tương tác, cá nhân hoá cao mà trước đây khó có thể thực hiện được.

Chính điều này đã mở ra một hướng đi mới cho ngành nghệ thuật, giúp thu hút nhiều đối tượng khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ vốn quen thuộc với công nghệ số. Những sân khấu thực tế ảo, trình diễn bằng công nghệ, hay các buổi hòa nhạc tích hợp AI không chỉ nâng tầm trải nghiệm thưởng thức mà còn tạo điều kiện để người xem tham gia sâu hơn vào quá trình sáng tạo.

Đồng quan điểm, TS Phạm Việt Hà - Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường cho rằng, khi công nghệ hiện đại được ứng dụng một cách phù hợp, tôn trọng bản sắc, nó sẽ trở thành cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai.

“Công nghệ 4.0 là một công cụ mạnh mẽ để nâng tầm nghệ thuật biểu diễn, đồng hành cùng cuộc sống hiện đại. Khi người nghệ sĩ làm chủ sáng tạo của mình, xác định rõ vai trò chủ thể sáng tạo của mình, sẽ biết cách làm cho nghệ thuật toả sáng trên nền tảng của khoa học công nghệ. Bảo tồn và đổi mới không phải là hai xu hướng đối lập, mà là hai trụ cột cần thiết để nghệ thuật tự tin bước vào kỷ nguyên số” - TS Hà nói.

Vẫn còn rào cản

Mặc dù có nhiều ưu điểm, thế mạnh, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn hiện vẫn chủ yếu dừng ở mức thử nghiệm, còn nhiều rào cản. Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu khi nhiều nhà hát, sân khấu thiếu thiết bị hiện đại như âm thanh, ánh sáng, màn hình trình chiếu, công nghệ AR/VR.

Ngoài ra, nhân lực có khả năng kết hợp nghệ thuật và công nghệ cũng còn hạn chế, trong khi các trường nghệ thuật vẫn thiên về phương pháp truyền thống, chưa chú trọng đào tạo công nghệ số. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại đổi mới vẫn tồn tại ở một bộ phận nghệ sĩ và nhà quản lý. Kinh phí triển khai biểu diễn công nghệ cao lớn, nhưng nguồn lực hỗ trợ và chính sách xã hội hóa chưa đủ mạnh.

Theo ThS. Trần Văn Hiếu - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, dù công nghệ 4.0 mở ra cơ hội mới cho nghệ thuật biểu diễn, quá trình ứng dụng vẫn gặp nhiều thách thức. Hạ tầng kỹ thuật còn yếu, đặc biệt tại các đơn vị công lập và địa phương. Năng lực công nghệ của nghệ sĩ chưa đồng đều, thiếu nhân lực kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ. Việc số hóa sân khấu truyền thống cũng đặt ra lo ngại về nguy cơ mất bản sắc.

Còn theo TS Phạm Việt Hà, hạ tầng công nghệ lạc hậu hiện là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó, một bộ phận nghệ sĩ, đạo diễn vẫn mang tâm lý e ngại đổi mới. Nhiều đơn vị nghệ thuật chưa chủ động trong việc tích hợp công nghệ vào sáng tạo. Hạn chế về kinh phí và chính sách đầu tư cũng khiến quá trình chuyển đổi gặp khó.

Đồng bộ hạ tầng, công nghệ

Chuyển đổi số không chỉ mở rộng không gian tiếp cận và lan tỏa của nghệ thuật biểu diễn, mà còn là cơ hội để nghệ thuật tự làm mới trong dòng chảy giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Khi công nghệ được đặt đúng vị trí không chỉ là công cụ mà còn là chất xúc tác sáng tạo nghệ thuật biểu diễn sẽ có thêm nguồn lực để đổi mới, bứt phá và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

ThS. Trần Văn Hiếu cho rằng, các đơn vị nghệ thuật cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ và chính sách để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại số. Nhà nước, các cơ quan văn hóa và ngành công nghiệp sáng tạo cần đưa ra những chiến lược dài hạn và các chương trình đào tạo liên ngành nhằm phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, kết nối giữa nghệ thuật và công nghệ.

“Chỉ khi đó, nghệ thuật biểu diễn thực sự trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa và xã hội. Việc kết hợp giữa các nghệ sĩ, công nghệ và công chúng sẽ là yếu tố quyết định trong việc xây dựng một tương lai nghệ thuật biểu diễn bền vững” - ông Hiếu nhận định.

Còn theo TS Phạm Ngọc Hiền - Trung tâm Nghệ thuật TPHCM, việc nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn trong thời đại công nghệ 4.0 không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục định vị nghệ thuật trong kỳ nguyên số. Những giải pháp về nguồn nhân lực, hạ tầng, chính sách và hợp tác quốc tế cần được triển khai đồng bộ, gắn với thực tiễn và tiềm lực trong nước. Chỉ khi nghệ thuật - công nghệ - con người được kết nối thành một hệ sinh thái sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn mới tiếp tục bứt phá.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định, trong dòng chảy của nghệ thuật biểu diễn hiện nay, rất cần có những nghiên cứu, giải pháp từ lý luận đến thực tiễn để tạo ra sự “chuyển dịch” thực sự trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; định vị rõ ràng những giá trị mà nghệ thuật biểu diễn mang lại khi có sự hỗ trợ của công nghệ 4.0. Công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ, mở rộng không gian sáng tạo, gia tăng trải nghiệm khán giả và giúp đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa nghệ thuật: Cơ hội và giới hạn