Không chỉ lùm xùm về chuyện bổ nhiệm thừa 23 cán bộ lãnh đạo, quản lý như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, thời gian vừa qua, tại Sở NN&PTNT Thái Nguyên còn để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, dẫn đến một số công trình thi công không đúng thiết kế, khi nghiệm thu đã quyết toán một số khối lượng không đúng thực tế.
(Tiếp theo kỳ trước)
Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên.
“Sờ đâu, sai đó”
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Dự án Di chuyển tuyến kênh giữa hồ Núi Cốc (đoạn từ K9+177 đến K11+434) chủ đầu tư là Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên với tổng dự toán được phê duyệt 92 tỷ 668 triệu đồng đã có nhiều sai phạm.
Theo đó, công tác lắp đặt đường ống cốt sợi thủy tinh (chiều dài ống 12 m, đường kính ống 1.600 mm) là hạng mục xây dựng mới chưa có trong hệ thống định mức xây dựng đã được công bố nhưng chủ đầu tư chưa căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và phương pháp xây dựng định mức do Bộ Xây dựng hướng dẫn để xây dựng định mức hoặc áp dụng các định mức xây dựng tương tự ở các công trình khác.
Mặt khác, đây là Dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu, song chủ đầu tư chưa báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên về việc vận dụng, áp dụng định mức, đơn giá dự toán.
Ngoài ra, thực tế thi công cho thấy, chủ đầu tư áp dụng định mức lắp đặt ống bê tông ly tâm nối bằng gioăng cao su (chiều dài ống 6m, đường kính ống 1.600 mm) đối với công tác lắp đặt đường ống cốt sợi thủy tinh là không đảm bảo đúng đắn, hợp lý trong việc áp dụng, vận dụng đơn giá xây dựng công trình.
Vừa qua, tiến hành kiểm tra tại 6 dự án, công trình của Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng Sở NN&PTNT Thái nguyên, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên phát hiện tăng giá trị quyết toán công trình 161,951 triệu đồng. Mặt khác, quyết toán tăng chi phí quản lý dự án, chi phí giám sát thi công là 86,357 triệu đồng trong hồ sơ quyết toán tính không đúng chi phí quản lý dự án và chi phí giám sát.
Qua kiểm tra 5 dự án tại Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên cũng phát hiện sai tăng về giá trị quyết toán công trình là 189 triệu đồng.
Đồng thời, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót làm tăng tổng mức đầu tư như Dự án: Ổn định dân cư vùng thiên tại xóm Bậu, xã Bình Long, huyện Võ Nhai. Ngoài ra, 5 dự án thuộc Chi cục Thủy lợi quyết toán sai tăng về giá trị là 117,048 triệu đồng.
Cũng qua kiểm tra tại 2 công trình, dự án tại Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá, ngành chức năng phát hiện công tác khảo sát, thiết kế thiếu chính xác với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư với giá trị lớn.
Điển hình như Dự án đường giao thông Nà My- Bản Nó- Tân Trào, xã Linh Thông điều chỉnh giá trị xây dựng tăng 77% so với dự toán ban đầu. Tại hai dự án tại Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá cũng quyết toán sai tăng số tiền là 100,84 triệu đồng.
Xây kè chống sạt lở “nhầm” vị trí
Nghiêm trọng hơn, tại Dự án Kè chống sạt lở đê sông Công (đoạn từ K4+800 đến K5+000, từ K6+700 đến K6+820) thị xã Phổ Yên do Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão (thuộc Sở NN&PTNT Thái Nguyên) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư công trình gần 10 tỷ đồng đã bị chủ đầu tư thi công nhầm vị trí.
Theo Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 2/3/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, toàn bộ dự án được chia thành 2 gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu 1 là xây lắp Kè chống sạt lở đê Sông Công (đoạn từ K4+800 đến K5+000) với giá gói thầu là 6,023 tỷ đồng. Gói thầu 2 là xây lắp Kè chống sạt lở đê Sông Công (đoạn từ K6 +700 đến K6+800) với giá gói thầu là 2,280 tỷ đồng.
Quy định cụ thể là thế, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà công trình trên lại được Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên thi công “nhầm” vị trí.
Cụ thể, gói thầu xây lắp Kè chống sạt lở đê Sông Công đoạn từ K4+800 đến K5+000 chủ đầu tư không thực hiện, lại thực hiện nhầm sang đoạn từ K3+550 đến K3+700 dài 150m. Trong khi đó, đoạn từ K3+550 đến K3+700 không có trong danh mục gói thầu được thực hiện trong gói 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015.
Về sự việc trên, theo Sở KH&ĐT Thái Nguyên xác định, ngày 9/9/2016 UBND tỉnh Thái Nguyên mới chấp thuận chủ trương đoạn K3+550 đến K3+700 (dài 150 mét).
Ngày 18/10/2016, Sở NN&PTNT Thái Nguyên có thông báo kết quả bổ sung với tổng kinh phí phát sinh tăng 2 tỷ 772 triệu đồng. Về vấn đề này, Sở KH&ĐT Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư có giải trình lý do với UBND tỉnh Thái Nguyên về sai sót làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT Thái Nguyên cũng chỉ ra nhiều yếu kém của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Thái Nguyên khi thực hiện Dự án này.
Theo Sở KH&ĐT Thái Nguyên trong công tác quản lý dự án, chủ đầu tư đã chưa chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, để gây ra việc xác định sai vị trí tuyến công trình, dẫn đến vướng mắc trong công tác hoàn thiện các thủ tục hồ sơ và triển khai thi công công trình. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai công trình chậm…
Đến nay toàn bộ Dự án mới thi công được đoạn từ K6+700 đến K6+820, đạt được 85% khối lượng công trình với giá trị thầu ban đầu là 2.772.168.936 đồng trên tổng số 8.796.032.022 đồng, giá trị xây lắp đạt 31,52%.
Nghiêm trọng hơn, trong khi chưa nắm rõ được quy trình thủ tục đầu tư dự án thì chủ đầu tư này đã đề nghị điều chỉnh bổ sung hạng mục, dự toán, cơ cấu tổng mức đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình khi chưa có báo cáo, xin điều chỉnh tên công trình từ khâu phân bổ nguồn vốn.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 5, Điều 61, Luật Xây dựng thì “việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt”, thế nhưng, đơn vị chủ đầu tư này đã xin điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong khi tên công trình, giá trị dự toán hạng mục bổ sung chưa được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Hải- Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên thừa nhận, trong Dự án Kè chống sạt lở đê sông Công có một vị trí định vị nhầm, đã thi công được một phần. Về nguyên nhân thi công nhầm vị trí, ông Hải cho rằng do định vị nhầm ngoài thực địa.
Một mặt, ông Hải nhấn mạnh chủ đầu tư phải có trách nhiệm về việc thi công nhầm vị trí nhưng mặt khác, ông Hải thừa nhận Sở chỉ yêu cầu Chi cục Thủy lợi kiểm điểm với hình thức rút kinh nghiệm, chưa xử lý trách nhiệm hay xử lý kỷ luật bất cứ cá nhân nào liên quan.