Mới đây, trước phản ánh về việc Trường THCS Dịch Vọng ép học sinh chuyển trường, gây bức xúc trong dư luận, ông Phạm Ngọc Anh- trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã yêu cầu Ban giám hiệu trường giải trình, đồng thời trực tiếp kiểm tra, liên hệ với phụ huynh để làm rõ.
Trường THCS Dịch Vọng.
Theo đó, kết quả xác minh của Phòng GD cho thấy, năm học 2017-2018 trường THCS Dịch Vọng có 51 học sinh chuyển trường. Trong đó 21 em xếp loại học lực khá, giỏi; 30 em loại trung bình.
Theo Ban giám hiệu trường THCS Dịch Vọng, đối với học sinh học yếu, nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng. Với một số em khó có khả năng theo kịp các bạn cùng lớp, đại diện nhà trường đã gặp gỡ phụ huynh để thông báo tình hình học tập, đồng thời tư vấn tìm môi trường phù hợp hơn cho con. Việc làm này đã gây áp lực và bức xúc cho một số cha mẹ học sinh.
Trước sự việc này, UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo Phòng Giáo dục yêu cầu Ban giám hiệu trường THCS Dịch Vọng viết bản tường trình, kiểm điểm trách nhiệm. UBND quận cũng chỉ đạo hiệu trưởng thông tin đến phụ huynh có con chuyển trường xin rút kinh nghiệm, đồng thời tổ chức tiếp nhận những em khối lớp 6, 7, 8 có nguyện vọng quay lại học tập tại trường...
Từ vụ việc này, Phòng Giáo dục đã có văn bản gửi các nhà trường trên địa bàn rút kinh nghiệm, yêu cầu các trường tăng cường giúp đỡ học sinh có học lực yếu, kém, tuyệt đối không vận động, gợi ý hay tạo sức ép để phụ huynh chuyển trường cho con.
Gợi ý chuyển trường khi con có học lực yếu khó theo kịp các bạn không phải là trường hợp cá biệt ở riêng trường THCS Dịch Vọng. Thực tế khá nhiều phụ huynh ở các trường học khác ở Hà Nội thời gian qua cũng đã chia sẻ với nhau về lo lắng này. Một phụ huynh có con học ở Trường THCS Nguyễn Phong Sắc - Hà Nội cũng từng chia sẻ, chị và nhiều phụ huynh khác có con học lực yếu đã được giáo viên chủ nhiệm gợi ý chuyển trường nhưng vì là năm cuối cấp lại không có điều kiện nên chị quyết tâm cho con học nốt ở trường và cũng chẳng biết chia sẻ với ai chỉ ấm ức trong lòng.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc học trường công là quyền lợi của tất cả học sinh. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo cho học sinh nên người từ tri thức cho đến đạo đức. Do vậy, học sinh càng yếu thì nhà trường, giáo viên càng phải có trách nhiệm dìu dắt, để trẻ tự tin vươn lên. Do vậy việc đẩy học sinh yếu kém ra khỏi môi trường công lập, để gia đình và học sinh bơ vơ là vô trách nhiệm. Nếu học sinh nào cũng tốt, cũng giỏi hết thì cần gì giáo viên giỏi, nhiệt tâm cũng như chẳng cần đòi hỏi tâm và tầm của lãnh đạo nhà trường.
Có thể nói việc đẩy học sinh yếu “ra đường” là việc làm phản giáo dục, xuất phát từ cách quản lý ấu trĩ theo kiểu bệnh thành tích với việc giao chỉ tiêu, đăng ký thi đua. Hãy nên hướng đến mục tiêu học sinh học được gì, có hạnh phúc với việc học hay không chứ đừng mải mê say sưa với danh hiệu và kết quả thi đua để biến trường học thành “đấu trường”.